Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa bị lỗ nặng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong 10 tháng qua, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa cả nước đã đạt trên 30%, trong đó tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 35%. Hàng nhựa Việt Nam đang xuất khẩu khá đều đặn cho 40 thị trường khác nhau. Với tổng số 800 công ty lớn (trong đó có 200 công ty nước ngoài) và hơn 2.000 đơn vị sản xuất nhỏ và vừa, dự kiến ngành nhựa tiếp tục tăng trưởng bền vững trong hai năm tới. Thế nhưng theo một doanh nghiệp có thâm niên hơn 20 năm trong ngành nhựa, khoảng 10% các doanh nghiệp này đang trong tình trạng thua lỗ.

Ông PKL, chủ doanh nghiệp nhựa tại TP.HCM than: “Chỉ trong vòng một tháng, tôi đã bị mất 15 tỉ. Lỗ còn nhanh hơn chơi chứng khoán nữa”. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu rớt nhanh, với tốc độ “mỗi ngày một giá cứ như giá vàng, giá đô vậy” như lời kể của ông L.

Giới sản xuất cùng ngành loan tin, chủ doanh nghiệp TC đặt mua hàng từ nước ngoài, nay hàng đã về đến cảng, thấy giá thị trường xuống quá thấp, nên đã bỏ luôn lô hàng.

Một giám đốc công ty có trụ sở trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8 ví đợt giảm giá nguyên liệu từ mức 1.300 – 1.500USD/tấn xuống còn 700 – 800 USD/tấn chẳng khác gì người bệnh bị tụt huyết áp. Ông này bình luận: “Tăng huyết áp dễ gây tử vong thì hạ huyết áp quá nhanh, quá mạnh càng chết nhanh hơn. Nhiều công ty tránh được cơn tăng huyết áp, nay cũng trong tình trạng “sức khoẻ kém” vì hạ huyết áp”.

Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, chủ nhiệm câu lạc bộ giám đốc ngành nhựa cao su Việt Nam nhìn nhận: “Có một số doanh nghiệp bị lỗ, thậm chí lỗ nặng khi nguyên liệu giảm giá đến 70%”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị lỗ của các doanh nghiệp, theo ông Trang, là khả năng dự báo thị trường kém từ nhận định nhu cầu tiêu thụ thị trường cho đến xu hướng thay đổi giá của thế giới.   Những kho nguyên liệu trữ để sản xuất trong vài tháng đều không tiêu thụ hết, nguyên liệu tồn nhiều thì lỗ nhiều.

Thêm vào đó, ở thời điểm giá nguyên liệu nhựa lên cao theo giá dầu mỏ, các doanh nghiệp có vốn đều dự đoán giá còn có thể tăng, nên mua dự trữ khá nhiều. “Bình quân các doanh nghiệp trữ nguyên liệu trong ba tháng, dẫn đến khi giá giảm nhanh, buộc phải bán với giá lỗ để giữ khách hàng, giữ thị trường và thị phần”, ông Trang phân tích.

Ông Lương Vạn Vinh, giám đốc công ty hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo cho rằng, những doanh nghiệp ít vốn lại tránh được biến động giá trong đợt này.

Nguồn: Báo Sài Gòn tiếp thị điện tử