Nhiều doanh nghiệp vỡ kế hoạch kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trường hợp Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) là một ví dụ. So với kế hoạch cả năm là đạt 3.285 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam chỉ hoàn thành lần lượt 66,1% và 19%.

Cụ thể, doanh thu đạt 2.174 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của Casumina chỉ đạt 17,66 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế đạt 22,9 tỷ đồng), tăng 16,44% và giảm 82,65% so với quý III/2010. Đặc biệt, lãi suất vay cao khiến chi phí lãi vay của Casumina tăng vọt, lên gần 47 tỷ đồng, bằng 88% chi phí lãi vay cả năm 2010.

Ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Casumina cho biết, Công ty khó có thể đạt kế hoạch doanh thu cả năm 2011, do tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù nắm giữ thị phần hàng đầu tại các phân khúc sản phẩm, nhưng do phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ nội địa, cũng như hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, khiến thị phần của Công ty có thể bị giảm trong thời gian tới.

Một trường hợp khác là Tập đoàn Gỗ Trường Thành (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam), với doanh thu 1.903 tỷ đồng năm 2009 và 2.187 tỷ đồng năm 2010, trong đó, 70% sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia… và luôn duy trì 30% tổng doanh thu cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi của Tập đoàn đã bị giảm trong 3 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do vay nợ tăng cao nhằm đáp ứng nhiều đơn hàng lớn, dẫn đến chi phí tài chính tăng mạnh (từ 92 tỷ đồng năm 2008 lên 171 tỷ đồng năm 2010 và 200 tỷ đồng năm 2011). Mục tiêu doanh thu cả năm nay của Tập đoàn Trường Thành dự báo vẫn cán đích 2.400 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế khoảng 130 tỷ đồng. Tuy số đơn đặt hàng hiện đã đủ cho Tập đoàn hoạt động đến tháng 4/2012, nhưng vấn đề mà Tập đoàn đang phải đối mặt là cần giải quyết nhanh lượng hàng tồn kho (chủ yếu là nguyên vật liệu) có tổng giá trị lên tới 1.582 tỷ đồng, gấp 2 – 3 lần doanh thu hàng quý của Trường Thành.

Đại diện lãnh đạo Trường Thành cho biết, mặc dù Tập đoàn sẽ nhận được khoản lợi nhuận 3 triệu USD từ việc liên doanh trồng rừng tại Phú Yên với Tập đoàn Oji (Nhật Bản), nhưng mức lợi nhuận này cũng chỉ giúp đơn vị đạt 85% kế hoạch đề ra cả năm, với lợi nhuận khoảng 110 tỷ đồng.

Tình hình của các doanh nghiệp ngành thép cũng không sáng sủa hơn. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự báo kinh doanh quý IV/2011 của các doanh nghiệp thép sẽ khó khăn, nhất là khi giá thép thế giới đang có xu hướng giảm, trong khi tỷ giá tăng, khiến doanh nghiệp thép khó đạt được kế hoạch kinh doanh cả năm 2011. Đó là chưa kể tới con số 20% doanh nghiệp thép có nguy cơ phá sản.

Đây cũng là lý do để nhiều doanh nghiệp quyết định điều chỉnh giảm lợi nhuận.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Công ty cổ phần Thép Pomina cho biết, nhiều khả năng, Pomina sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 612 tỷ đồng năm 2011, vì quý IV rất khó khăn, do Công ty phải bù lỗ tỷ giá. Hiện Pomina chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép trong nước, 70% còn lại phải nhập khẩu.

Như vậy, tính đến thời điểm này và dự kiến những tháng còn lại của năm, loại trừ những “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ cán đích doanh thu và lợi nhuận sớm, còn lại hầu hết doanh nghiệp không đạt kế hoạch kinh doanh đã vẽ ra từ đầu năm và được các cổ đông thông qua.

Vậy nên, kế hoạch kinh doanh năm 2012 cũng đang được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cân đo kỹ lưỡng, song một điều chắc chắn rằng, sẽ không cao hơn năm 2011, thậm chí phải điều chỉnh giảm bớt
Nguồn: Báo Đầu tư điện tử