Nhiều hợp tác xã vận tải đòi kiện Bộ GTVT
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy định trái luật

Trước buổi làm việc trên, 24 HTX vận tải ở TP.HCM và các HTX ở tỉnh Quảng Ngãi đã có ý kiến phản ứng về các quyết định 16 và 17 được Bộ GTVT ban hành tháng 3-2007. Theo các văn bản này, Bộ GTVT yêu cầu chỉ phương tiện đăng ký sở hữu của pháp nhân mới được kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định, xe buýt và taxi. Như vậy, từ 1-10-2007 các xã viên trước đây sở hữu xe đứng tên cá nhân nay phải chuyển xe vào sở hữu HTX (sở hữu pháp nhân) thì mới được kinh doanh vận tải.

Tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT tái khẳng định các quyết định 16 và 17 được ban hành là căn cứ theo Nghị định 110 của Chính phủ ngày 23-9-2006 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong đó, Chính phủ giao Bộ GTVT ban hành các quy định có liên quan và quản lý hoạt động các loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô. Ông Thành cũng cho rằng các quyết định trên là phù hợp với quy định vì Bộ căn cứ vào Luật HTX, Nghị định 177 của Chính phủ…

Đại diện nhiều HTX lập tức dẫn ra văn bản của Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp để “đáp lại”. Theo đó, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế cho rằng: Bộ GTVT ban hành các quy định không đúng thẩm quyền khi buộc xã viên chuyển phương tiện thuộc sở hữu của mình sang sở hữu HTX. Cụ thể là ở Điều 6 và 8 Nghị định 110 không quy định điều kiện về chủ sở hữu (là của xã viên hay của HTX) đối với xe ôtô. Đồng thời theo khoản 5 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Trước dẫn chứng trên, ông Thành “thoái lui” bằng cách cho rằng: “Giữa các bộ, ngành còn có cách hiểu khác nhau về điều kiện kinh doanh”. Theo ông Thành, Bộ GTVT không đưa ra vấn đề sở hữu xe phải thuộc HTX như là điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện các HTX liền đưa ra Văn bản số 5394 được Bộ GTVT ký ngày 28-8-2007 về kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa có đủ điều kiện kinh doanh như không đăng ký sở hữu xe thuộc doanh nghiệp (HTX), lái xe hợp đồng không có hồ sơ sẽ bị thu hồi phù hiệu hợp đồng… “Đây thực chất là việc hậu kiểm các điều kiện kinh doanh do chính Bộ GTVT tự đặt ra” – một xã viên nói. Sau cùng, ông Thành cho biết đoàn công tác sẽ xem xét lại tính pháp lý của văn bản trên và sẽ có đề xuất lên Bộ trưởng chỉnh lý, sửa đổi…

“Bóp chết” HTX vận tải

Theo ông Đỗ Xuân Hoa – Trưởng phòng Vận tải, Vụ Vận tải, Bộ GTVT các quyết định 16, 17 của Bộ là nhằm đưa hoạt động vận tải đi vào nề nếp, bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Thế nhưng các HTX cho rằng chính từ các quyết định trên đã dẫn đến việc các sở GTVT, cơ quan quản lý cấp dưới sở và cơ quan quản lý kinh tế các quận, huyện làm khó HTX, xã viên. Ông Phạm Quyết Chiến – Chủ nhiệm HTX Taxi 27-7, quận 11 bức xúc: “Sau khi xã viên góp vốn bằng xe đã chuyển tên sở hữu vào HTX theo quy định trên của Bộ GTVT thì có phòng kinh tế chứng nhận, có phòng thì không. Khi rút vốn ra khỏi HTX thì xã viên cũng bị làm khó dễ. Xe đã đứng tên HTX và được HTX bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng nhân viên Sở GTCC vẫn không cấp phù hiệu cho xe hoạt động… Anh em bộ đội xuất ngũ về, gom góp, vay mượn khắp nơi mới mua được chiếc xe để chạy taxi kiếm cơm nuôi vợ con. Vậy mà Sở, rồi Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng không cấp phù hiệu, còn Thanh tra GTCC thì cứ căn ke để bắt, xử phạt… Vậy là có phải các anh đẻ ra quy định để bóp chết nồi cơm của chúng tôi?” – ông Chiến gay gắt.

Theo ông Trần Văn Dương – đại diện Liên minh HTX Việt Nam, việc Bộ GTVT buộc xe phải đứng tên sở hữu HTX đã làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Đó là phải tổ chức lại đại hội xã viên để quyết định việc góp vốn bằng xe, phải sửa đổi điều lệ HTX, gửi điều lệ đến cơ quan đăng ký kinh doanh, định giá xe. Đặc biệt, quy định trên làm ảnh hưởng tới quyền định đoạt tài sản và trách nhiệm dân sự khi góp vốn, trách nhiệm hình sự khi có tai nạn xảy ra…

Theo nhiều đại diện HTX khác, quy định về sở hữu xe thuộc HTX làm cho các xã viên phải qua nhiều quy trình vòng vèo: đăng ký cho thuê xe, sau đó đem xe cho HTX thuê rồi mới được… vác xe ra chạy. Các bước ruờm rà như trên khiến xã viên phải chịu thuế chồng lên thuế (thuế hành nghề cho thuê xe hơn 19%, thuế thu nhập doanh nghiệp kinh doanh vận tải và VAT 3%). Vì thế, các HTX không thể kinh doanh bình đẳng với các công ty, doanh nghiệp tư nhân! Theo ông Nguyễn Duy Hiếu – Chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM, quy định về sở hữu xe như Bộ GTVT chỉ tạo ra những HTX tập trung (xe) hình thức. Còn trong thực chất thì đó vẫn là những HTX dịch vụ hỗ trợ. Thậm chí nhiều chủ nhiệm HTX chỉ ngồi không thu phí, còn mọi hoạt động kinh doanh thì xã viên vẫn phải tự lo liệu.

Vì những trái khoáy trên, các HTX vận tải lo lắng sẽ bị “bóp chết” nên quyết liệt yêu cầu Bộ GTVT bãi bỏ quy định.

Hành trình “đấu” với quy định của Bộ GTVT

– Tháng 10-2006 và tháng 3-2007, Bộ GTVT ban hành các quyết định 34 và 16, 17 quy định về kinh doanh vận tải bằng xe buýt trên tuyến cố định, hợp đồng, du lịch và taxi.

– Tháng 8-2008, Bộ GTVT ban hành Văn bản 5394 về kiểm tra, xử lý các xe không đảm bảo điều kiện về đăng ký sở hữu thuộc doanh nghiệp, HTX.

– Tháng 9-2007, các HTX ở TP.HCM bắt đầu kiến nghị về quy định trái luật trên của Bộ GTVT.

– Tháng 12-2007, Bộ Tư pháp có văn bản khẳng định Bộ GTVT ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền.

– Tháng 1-2008, Văn phòng BCH Trung ương Đảng có văn bản gửi Ban cán sự Đảng bộ GTVT đề nghị xem xét lại tính pháp lý của các quyết định 16 và 17.

– Tháng 2-2008, thông qua Liên minh các HTX TP.HCM, các HTX đề nghị khởi kiện Bộ GTVT về quy định trái luật, làm tổn hại các HTX.

Ông Nguyễn Duy Hiếu – Chủ tịch Liên minh các HTX TP.HCM: Bộ GTVT đã “cầm nhầm” vấn đề

Bộ GTVT là cơ quan quản lý chuyên ngành kinh tế kỹ thuật nên chỉ có thể đưa ra các điều kiện để quản lý lĩnh vực của mình. Điều kiện kinh doanh không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và Bộ cũng không được ban hành các văn bản có tính hậu kiểm như Văn bản 5394 đòi xử lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Vấn đề sở hữu tài sản là do Bộ luật Dân sự quy định và điều chỉnh chứ không phải từ quy định của Bộ GTVT. Mô hình HTX, doanh nghiệp là do Luật Doanh nghiệp, Luật HTX quy định. Bộ GTVT không thể đưa ra quy định để “định hướng” xã viên, hộ kinh doanh, HTX phải đi theo mô hình nào.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM