Nhiều kỳ vọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mỹ là thị trường với dân số đông, thu nhập của người dân Mỹ cũng chênh lệch lớn, vì vậy đây là một thị trường lớn, đa dạng và hấp dẫn, nhưng đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Mỹ bởi sẽ có rất nhiều đối thủ đưa hàng vào thị trường này. Theo Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Công thương Nguyễn Duy Khiên, cần đầu tư sản xuất, tăng dần nấc thang giá trị hàng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu rồi bán cả thương hiệu cho người tiêu dùng thì trị giá gia tăng trong sản phẩm mới tăng lên. Năng lực cung ứng của doanh nghiệp còn hạn chế, làm sao cần bảo đảm về chất lượng và số lượng khi giao hàng và ổn định theo yêu cầu của bạn hàng. Thực tế hiện nay, ngoài cá tra ra thì chưa có sản phẩm nào xuất khẩu mang tính công nghiệp, nên không thể xuất được. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có một công ty đầu mối thu mua hàng hóa của nhiều công ty khác để có lượng hàng ổn định, tránh thiệt hại về kinh tế.

Theo Tiến sĩ Alan Phạm – Kinh tế trưởng của VinaCapital, việc Mỹ nới lỏng tiền tệ, kích thích tiêu dùng có thể là tín hiệu tốt cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng việc bơm tiền qua các ngân hàng của Mỹ sẽ làm tăng sức mua của người dân đối với các mặt hàng như may mặc, xe hơi, nhà cửa, đi du lịch, làm các ngành nghề đang bị suy yếu bắt đầu sản xuất, tồn kho giảm xuống, giới chủ mướn thêm thợ… Nhưng đây cũng là một trong những thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam, cách đưa hàng và bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam ra sao để cạnh tranh trên đất Mỹ. Giám đốc Phát triển kinh doanh Nhóm Tài nguyên Việt Nam tại Mỹ  Fred Golightly cho biết, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải tạo được ấn tượng của sản phẩm ở thị trường Mỹ, có thể người dân mua hàng qua việc truyền miệng nhau. Do đó, doanh nghiệp cần nắm được thị hiếu, văn hóa của người dân vùng ở Mỹ mà mình đưa hàng đến. Tùy theo thị trường, thị phần mà doanh nghiệp có chiến lược phù hợp, có món hàng bán được ở thị trường này, nhưng có món hàng lại phải bán ở thị trường khác.

Năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với những rào cản thương mại khắt khe, phải tuân thủ rất nhiều luật lệ quy định của Mỹ về kỹ thuật và chất lượng, tạo thành các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nước ngoài. Bộ Công thương cũng khuyến cáo, kể từ 1.10.2012, có thêm nhiều quy định mới cơ quan chức năng của Mỹ đưa ra mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý, như việc hàng thực phẩm phải tiến hành đăng ký lại hoặc đăng ký mới với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để được nhận một mã số kinh doanh mới. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm các lô hàng sẽ do FDA chịu trách nhiệm và mã số kinh doanh mới của FDA chỉ có giá trị trong 2 năm. Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đào Trần Nhân cho biết, các doanh nghiệp cũng cần chủ động liên hệ với các thương vụ, đại sứ quán để tiếp nhận thông tin cũng như các luật lệ, chính sách thị trường Mỹ, đồng thời để các thương vụ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các vụ kiện để tránh thiệt hại đáng tiếc về kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các công ty tư vấn của Việt Nam trên đất Mỹ để thường xuyên được cung cấp các số liệu về tình hình kinh doanh, xu hướng giá cả cũng như được giải đáp các vướng mắc về thủ tục kinh doanh. Làm quen với những phương thức kinh doanh, giao dịch mới như qua mạng internet là điều rất cần thiết, tránh rủi ro trong ký kết hợp đồng. Các doanh nghiệp có thể quảng cáo sản phẩm thông qua internet, thương mại điện tử sẽ giúp cắt giảm mọi vai trò trung gian, đồng thời hệ thống pháp lý, hệ thống thanh toán tài chính bên Mỹ vẫn bảo vệ cho người tiêu dùng, khiến người ta thoải mái dùng thẻ tín dụng mua hàng trên mạng. Do vậy doanh nhân cần thiết kế website đáp ứng thị hiếu, nhu cầu bên đó thì hoàn toàn có thể xuất khẩu sang đó.

Với mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 20 tỷ USD trong cả năm 2012, các doanh nghiệp cần mở rộng mạng lưới tiếp thị trực tiếp vào thị trường Mỹ, kết hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thành lập các tập đoàn kinh tế nhập khẩu trực tiếp hàng hóa vào Mỹ, mở rộng mạng lưới kinh doanh nhắm trực tiếp vào giới tiêu thụ Mỹ, mới mong phát triển kinh doanh trong những thời kỳ kinh tế hiện nay.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân