Nhiều ngành sản xuất giảm sản lượng vì khó tiêu thụ sản phẩm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của cả nước những tháng vừa qua còn chuyển biến chậm. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng là 4,9%; 6 tháng 5,0% và 7 tháng tăng 5,2%. Con số này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sức mua xã hội còn thấp. Nhìn chung, tình hình tiêu thụ sản phẩm trong nước có cải thiện, nhưng không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất, hoặc nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu.Bảy tháng của năm 2013, sản lượng khai thác của ngành than ước đạt trên 24,8 triệu tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Tồn kho tính đến hết tháng 7 gần 5,6 triệu tấn than các loại.Sản lượng khai thác của tháng 7 cũng giảm so với tháng trước đó. Sự giảm sút này một phần là do bước vào mùa mưa, quá trình khai thác khó khăn. Mặt khác, theo ngành than, hiện ngành này gặp khó khăn lớn ở giá xuất khẩu. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), kể từ khi chính thức áp dụng mức thuế xuất khẩu với mặt hàng than là 13% từ ngày 7/7/2013 đã gián tiếp làm giảm sản lượng than xuất khẩu. Nguyên nhân là do tất cả các chủng loại than sau khi trừ thuế 13% sẽ khó có thể bù đắp được chi phí. Vinacomin kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế xuất khẩu than ở mức 10% để có thể cân đối được tài chính, duy trì sản lượng, bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân.

Thị trường bất động sản đóng băng đã gián tiếp đẩy ngành thép đến với khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm. Nguồn cung mặt hàng thép trong nước ngày càng tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm và không ổn định dẫn đến lượng hàng tồn kho cao; thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục vào Việt Nam… Thị trường xuất hiện hiện tượng bán phá giá để chiếm lĩnh thị phần và cạnh tranh lẫn nhau. Sản lượng sắt, thép thô 7 tháng ước đạt hơn 1,55 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ, sản lượng các loại thép thành phẩm cũng có mức tăng thấp so với mức tăng trung bình các năm trước. Bên cạnh chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, ngành thép kiến nghị áp dụng quy định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2011/BKHCN đối với sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đồng thời, áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép nhập khẩu trong điều kiện ngành thép trong nước đang dư thừa công suất; tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu thép có chứa nguyên tố Boron (Bo) để hưởng thuế suất 0% tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong nước.

Sản lượng của ngành phân bón và hóa chất 7 tháng đã qua nhìn chung giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, phân NPK ước đạt gần 1,46 triệu tấn, giảm 1,4%; phân DAP ước đạt 153,2 nghìn tấn, giảm 2,3%… Thực tế, phân bón cùng một số mặt hàng đang trong tình trạng cung vượt cầu nên các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị cần có chính sách hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được như phân bón, săm lốp ô tô, xe máy… để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển lành mạnh, giảm nhập siêu. Riêng đối với sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp kiến nghị xem xét miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho máy móc phục vụ nông nghiệp (mức thuế VAT hiện tại của mặt hàng này là 5%), đồng thời có Chương trình hỗ trợ bán máy móc nông nghiệp cho nông dân nhằm góp phần hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu nông sản có chất lượng.

Những tháng đã qua, ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng ở khu vực may nhưng lại gặp khó khăn ở khu vực sản xuất nguyên liệu. Hiện đang có một luồng đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng sợi, dệt. Nhằm khuyến khích doanh nghiệp dệt may sử dụng nguyên liệu, vật tư trong nước sản xuất và đẩy nhanh quá trình gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp dệt may, Bộ Công thương kiến nghị cần có chính sách ân hạn thuế trong một thời gian nhất định đối với các doanh nghiệp dệt may sản xuất theo phương thức FOB sử dụng nguyên liệu trong nước. Đối với mặt hàng da dày, trên thị trường cũng đang xuất hiện xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày một nhiều. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành da dày, dệt may ở Việt Nam và xuất khẩu là một tín hiệu tốt. Có vẻ như, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đón đầu những ích lợi từ hiệp định TPP mà Việt Nam tham gia, hiện đang vào những vòng đàm phán cuối cùng.

Về tình trạng tồn kho, cung vượt cầu của ngành mía đường, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, thống kế đến thời điểm hiện tại, lượng đường dư thừa so với tiêu dùng khoảng 220 nghìn tấn. Bộ Công thương đang đưa ra các giải pháp tìm thị trường, tạo điều kiện cơ chế để các doanh nghiệp xuất khẩu đường, giải quyết hàng tồn kho, thu hồi vốn tập trung sản xuất cho vụ tới. Nhận định của Bộ Công thương cho thấy, thị trường hàng hóa trong tình trạng cung vượt cầu, nhất là những mặt hàng xa xỉ, không thực sự cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Ngay cả những mặt hàng tiêu dùng thông thường cũng được người dân cân đối chọn lựa để tiết kiệm chi tiêu. Chỉ số hàng tồn kho đã giảm, một phần do tình hình tiêu thụ hàng hóa cải thiện và một phần quan trọng là do các ngành sản xuất đã giảm sản lượng. 

Tự Cường
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân