Nhiều nội dung trong dự thảo Luật Kiểm toán còn đơn giản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 26-11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Trao đổi quan điểm của mình, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, báo cáo kết luận kiểm toán có hiệu lực pháp lý là căn cứ để xử lý các vi phạm về kinh tế, hành chính và thậm chí là xử lý theo pháp luật về hình sự, dân sự, nhưng theo đại biểu, khi nghiên cứu những quy định trong dự thảo, mặc dù các quy định đã nâng tầm lên khá nhiều so với luật hiện hành năm 2005, song, ở một số nội dung vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn được cho là khá lớn của Kiểm toán Nhà nước mà Quốc hội đã giao cho.

Đại biểu cho rằng, nếu so sánh với Luật Tổ chức kiểm sát, Tòa án nhân dân đều là những hệ thống cơ quan độc lập do Quốc hội trực tiếp thành lập và có những đạo luật quy định rất chặt chẽ từ tổ chức cho đến việc tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, thì các nội dung của dự thảo Luật Kiểm toán vẫn còn nhiều điều đơn giản và thiếu cụ thể, dễ dẫn tới việc hiểu, vận dụng tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu dẫn chứng đó là các quy định trình tự, thủ tục từ việc công bố quyết định, tiếp cận hồ sơ, thu thập chứng cứ, giải trình, lập hồ sơ, xây dựng báo cáo kiểm toán… đều chưa được quy định chặt chẽ, chưa cụ thể.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, các quy định ở Điều 8 không rõ giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, do vậy không xác định được mức độ trách nhiệm thực hiện của các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan có liên quan.

“Một câu hỏi được đặt ra, nếu như không đồng tình với kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì căn cứ pháp luật nào để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại của mình và khiếu nại đó sẽ được giải quyết như thế nào. Dự thảo luật chưa làm rõ được các câu hỏi này, do vậy tôi đề nghị tiếp tục được nghiên cứu để hoàn chỉnh thêm”- đại biểu Trần Văn Minh nói.

Còn theo đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng), nên xem xét lại nội dung quy định tại Khoản 3 điều này vì dễ dẫn đến cách hiểu Kiểm toán Nhà nước không có trách nhiệm gì về các kết luận, kiến nghị.

Đại biểu đề nghị quy định cụ thể theo hướng ràng buộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với kết luận của kiểm toán, không phải chỉ có người sử dụng kiểm toán kiến nghị kết luận kiểm toán mới chịu trách nhiệm.

Ngoài ra cũng cần bổ sung quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước một cách tương xứng, cụ thể là phải quy định trách nhiệm của kiểm toán viên, nghiên cứu báo cáo kiểm toán, nếu sau này phát hiện sai phạm những nội dung đã được kiểm toán thì xử lý như thế nào.

“Dự thảo cho thấy quyền kiểm toán viên và cơ quan kiểm toán thì nhiều, nhưng trách nhiệm đối với kết quả kiểm toán thì quá nhẹ nhàng, không tương xứng giữa quyền và nghĩa vụ”- đại biểu cho biết.

Nguồn: Báo Hải quan điên tử