Nhiều phí chưa được tính vào giá gạo xuất khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những ý kiến trên được một số chuyên gia ngành nông nghiệp chỉ ra trong Chương trình tọa đàm về quản lý tài nguyên nước do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam) thực hiện vào thượng tuần tháng 12 tại tỉnh Đồng Tháp.

Nhiều phí chưa được tính vào giá trị hạt gạo.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia Đa dạng sinh học trường ĐH Cần Thơ cho rằng, để tăng sản lượng xuất khẩu, toàn vùng ĐBSCL đã mở rộng canh tác lúa lên 3 vụ/năm. Như vậy nếu năng suất đạt bình quân khoảng 5 tấn/ha, thì mỗi năm vụ 3 của Việt Nam sẽ có thêm khoảng 3 triệu tấn lúa (tương đương 1,5 triệu tấn gạo) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên để có được hơn 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm thì người dân Việt Nam phải đánh đổi quá nhiều thứ thiệt hại và mất mát. Cụ thể, 1,5 triệu ha vùng ngập sâu 2m của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có thể xem như là hai cái “túi chứa nước” của cả vùng ĐBSCL trong mùa lũ lụt và điều tiết nước trong mùa khô. Nếu vì tăng diện tích lúa mà phải bao đê ngăn lũ thì sẽ phá vỡ hệ thống điều tiết tự nhiên này.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước (Quỹ bảo vệ động vật hoang dã Quốc tế – WWF) nhận định, khi quyết định đắp thêm nhiều đê bao ở hai khu vực trũng để mở rộng canh tác lúa vụ 3, các cấp quản lý cần phải giải cho được bài toán chi phí – lợi ích để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí thì cái nào lớn hơn. Cụ thể, theo ông Thiện các chi phí như: phí xây dựng và duy tu đê, nhân công cứu  đê, cứu lúa, thiệt  hại  của  những  diện  tích  không  cứu kịp, đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi  sức,  phù  sa  không  vào  đồng  được… nếu đem cộng hết lại sẽ cao hơn so với chi phí làm lúa vụ 3 mang lại. Ngoài ra, việc giảm diện tích nhận nước vào đồng sẽ làm cho nước chảy xiết hơn trong kênh mương, dẫn đến  sạt  lở  và  tăng ngập ở những nơi khác. Điều quan trọng là tất cả những chi phí này từ trước đến nay chưa hề được tính vào giá trị của hạt gạo. Lúa vụ 3 vẫn luôn phải bán với giá rất thấp, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cần tính toán lại lợi nhuận

Trong vòng vài năm trở lại đây ĐBSCL được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo là 1 trong 3 đồng bằng sẽ chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất thế giới. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ có khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập, mất khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương bị chìm trong nước. Cuộc  sống của hàng chục triệu người dân sẽ gặp nhiều xáo trộn lớn.

Như vậy, có thể thấy việc xây dựng đê bao ngăn lũ để phát triển diện tích lúa vụ 3, nhất là ở các khu vực vùng trũng của ĐBSCL không chỉ là câu chuyện tính toán lợi ích kinh tế nữa mà còn là câu chuyện ảnh hướng đến sự sống còn của cả vùng đồng bằng. Bởi phát sinh theo nó là hàng loạt những vấn đề về môi trường và chất lượng hạt gạo.

Trước đây, do chỉ làm 2 vụ/năm nên nước về tràn đồng có thể rửa trôi. Nay làm 3 vụ, những chất độc hại được tích tụ trong quá trình sản xuất sẽ bị giữ lại trong đất. Sự tích lũy quá mức này sẽ dẫn đến một ngày nào đó bộ rễ lúa sẽ hấp thụ vào trong thân và tồn lưu ngay trong hạt gạo. Thêm vào đó, việc thâm canh lúa 3 vụ/năm hoặc 2 năm 7 vụ như hiện nay sẽ cần đến một số lượng nước tưới khổng lồ. Và chính khối lượng nước tưới khổng lồ này sẽ cạnh tranh với nước dùng sinh hoạt, nước dùng cho công nghiệp của cư dân đô thị. Với tình hình xây đập ào ạt trên thượng nguồn sông Mê Kông hiện nay thì nguy cơ thiếu nước cho canh tác và sinh hoạt sẽ là tất yếu.

“Nếu chúng ta cứ cặm cụi bất chấp mọi giá phải trả ra để tăng năng suất lúa, và tăng lượng lúa gạo xuất khẩu thì chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá cho danh hiệu “quán quân” thế giới. Để làm ra hạt gạo chúng ta phải đánh đổi quá nhiều thứ, trong khi phải bán với giá thấp. Đó là sự không công bằng và thiệt hại cho người dân Việt Nam”-Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Mai Ca – Đỗ Cường
Nguồn: Báo điện tử Công thương