Nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ có thuế suất 0%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo “Xúc tiến thương mại thị trường châu Á – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản” diễn ra ngày 27-3, cánh cửa thị trường Nhật Bản sẽ rộng mở cho hàng hóa Việt Nam.

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Công Thương cho hay, giữa hai nước đã có nhiều hiệp định song phương và đa phương đang có hiệu lực và nhiều mặt hàng lợi thế của Việt Nam đang được giảm thuế mạnh.

Cụ thể, theo Hiệp định đối tác toàn diện Asean – Nhật Bản (AJCEP ) có hiệu lực năm 2008, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 82% giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản trong 16 năm và 69% giá trị nhập khẩu trong vòng 10 năm. Đổi lại, Nhật Bản loại bỏ thuế quan đối với gần 94% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam trong vòng 10 năm. Ngay khi có hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản ngay lập tức loại bỏ thuế quan đối với 7287 dòng thuế, tương đương 80% biểu thuế.

Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực năm 2009 còn đưa ra cam kết cao hơn hiệp định trước. Theo hiệp định này, trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên. Việt Nam cam kết tự do hóa đối với 87,66% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Đổi lại Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% trong vòng 10 năm.

“Như vậy, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều mặt hàng được miễn, giảm thuế theo lộ trình giảm thuế của hai hiệp định trên cũng như Hiệp định TPP mà các nước sắp ký kết.” – ông Hải nói.

Theo ông Hải, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiềm năng với nhiều khung pháp lý thuận lợi, thúc đẩy thương mại giữa hai nước nhưng ông Hải lưu ý, Nhật Bản có cơ chế bảo hộ thị trường, đặc biệt là nông sản cực kỳ tinh vi.

Hơn nữa, Nhật Bản có một hệ thống phân phối phức tạp, chi phí xúc tiến thương mại, điều tra thị trường cao, thị trường tiêu thụ trải dài trên hàng ngàn hòn đảo với quy mô và tập quán tiêu dùng khác nhau sẽ gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, cách tiếp cận nhanh và đơn giản nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là thường xuyên tham gia hội chợ tổ chức tại Nhật Bản. Tuy nhiên, cần chuẩn bị thông tin khách hàng trước khi đi hội chợ ngành hàng để giúp đạt hiệu quả đàm phán và tiết kiệm được nhiều chi phí.

Hơn nữa, hiểu biết thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của Nhật Bản là vô cùng quan trọng như sử dụng danh thiếp, catalogue công ty, đúng hẹn…Đây những yếu tố không thể thiếu để tạo lòng tin từ lần gặp gỡ đầu tiên.

Về vấn đề này, ông Lê An Hải cũng khuyên các doanh nghiệp nên tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản như Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Jetro, Trung tâm Asean – Nhật Bản, các hiệp hội ngành hàng…

“Cần khai thác triệt để ưu đãi do các hiệp định song phương, đa phương mang lại. Hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Nhật Bản sẽ giúp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng, hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch.” – ông An nói.

Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã tăng đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua. Tổng kim ngạch thương mại song phương tăng từ 0,5 tỉ đô la Mỹ năm 1988 lên 15,3 tỉ đô la năm 2013. Năm 2013, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tính đến hết tháng 2-2014, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đứng thứ nhất với 2.209 dự án, trị giá 35,1 tỉ đô la Mỹ. Nhật Bản cũng là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với con số ký kết 2,4 tỉ đô la Mỹ và đã giải ngân được 1,6 tỉ đô la Mỹ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online