Nhiều xung đột từ những cái tên trùng nhau
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một doanh nhân trong ngành du lịch cho biết nhiều doanh nghiệp lớn ở TPHCM bị thiệt hại về doanh thu và lợi nhuận khá nhiều vì các dịch vụ, sản phẩm du lịch và đặc biệt là việc nhái tên của mình từ các doanh nghiệp nhỏ hơn để cạnh tranh không lành mạnh.

Theo vị này, bản thân ông cũng đã phản ánh và khiếu nại đến các cơ quan chức năng, nhưng rồi các doanh nghiệp kia vẫn tồn tại vì các mức phạt khá nhẹ trong khi lợi nhuận họ kiếm được lại rất lớn.

Chuyện đặt tên doanh nghiệp đã được quy định rõ trong Nghị định 43/2010 NĐ-CP, theo đó “cấm đặt tên trùng” với các doanh nghiệp đã có.

Tuy nhiên, theo vị trên, khá nhiều doanh nghiệp tìm cách đăng ký tên doanh nghiệp mình ở một tỉnh khác, hoạt động trong một lĩnh vực khác, nhưng sau một thời gian thì họ xin được bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là du lịch vào giấy phép kinh doanh của mình.

Đã có những doanh nghiệp chọn cách đưa nhau ra tòa về chuyện “ăn theo” này.

Chẳng hạn, vụ Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh kiện Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất ống nhựa Bình Minh vì xâm phạm sở hữu trí tuệ về tên thương mại và nhãn hiệu Bình Minh kéo dài đến 3 năm, và cuối cùng bên khởi kiện thắng kiện.

Một vụ cũng khá đình đám là Công ty cổ phần Vincom kiện Công ty cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon và kết quả là Vincon đã phải đổi tên thành Vicoland hồi năm 2011.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, quá trình xử lý rất phức tạp nên nhiều doanh nghiệp đã không đủ kiên nhẫn để theo đuổi các vụ kiện, vì thế, dù bị xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhưng các doanh nghiệp không chọn tòa án làm nơi giải quyết, mà âm thầm sống chung với lũ.

Một chuyên gia về sở hữu trí tuệ kể về một chuyện hy hữu rằng ông được nhờ tư vấn một vụ, và thắng kiện dễ dàng.

Đến Sở kế hoạch và Đầu tư cũng sốt sắng giúp đỡ bằng cách gửi một công văn đến cho doanh nghiệp thua kiện kia đề nghị đổi tên.

Vài ngày sau, sở này nhận được thư trả lời với nội dung: “Chúng tôi không có nhu cầu đổi tên. Cảm ơn quý sở!”

Và câu chuyện kết thúc tại đó vì theo các quy định, Sở không có chức năng thu hồi giấy phép đầu tư trong trường hợp này.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng đại diện văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, để đăng ký bảo hộ một tên thương mại phải mất một quá trình lâu dài, ít cũng là 12 tháng ở Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi để đăng ký tên một doanh nghiệp thì chỉ cần một tuần ở Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Sự thiếu thông tin giữa hai cơ quan này khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối vì trùng tên lẫn nhau.
Chính vì thế sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục đưa nhau ra tòa phân giải về chuyện sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online