Nhìn lại chuyển động kinh doanh 2010
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một năm với nhiều tác động khó lường của kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp khối nội và khối ngoại tại Việt Nam đã trải qua chặng đường kinh doanh của họ như thế nào?

Nội tăng trưởng không cao

Xét trên loại hình doanh nghiệp, biểu hiện rõ nhất về sự tác động của tỉ giá là ở khu vực doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dù đạt tăng trưởng doanh thu cao hơn năm 2009 nhưng mức tăng không lạc quan như kỳ vọng, phần lớn do các yếu tố may mắn.

Có thể nói, ngành dệt may là khả quan nhất với tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tỉ USD (so với 9,1 tỉ USD năm 2009), da giày là 5,4 tỉ USD (so với 4,1 tỉ USD năm 2009), gỗ là 3 tỉ USD (so với 2,6 tỉ USD năm 2009). Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông sản như gạo, tiêu, điều, cao su, chè lại may mắn được tăng giá xuất khẩu (do tình hình chung của thế giới), đặc biệt là cao su. Có thể nói, giá cao su đã tăng kỷ lục trong lịch sử ngành này, đạt 5.000 USD/tấn. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng chứng kiến tình hình kinh doanh bi đát của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vì bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu mua từ các hộ nông dân, dẫn đến con cá vàng này của Việt Nam, vốn chiếm 99% thị trường thế giới, giờ đây đang bị “mắc cạn”.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và tiêu dùng công nghệ trong nước cũng đã có một năm lao đao. Báo cáo tài chính của những công ty vừa và lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như Vinamilk, Kinh Đô, FPT Telecom, Công ty Cơ điện lạnh REE… tuy có đề cập đến rủi ro tỉ giá nhưng phần lớn lại ít bị thiệt hại nặng, do có nguồn vốn mạnh để chủ động nguyên vật liệu trong nước, hoặc có doanh thu tốt để bù đắp. Tính đến quý IV/2010, tăng trưởng doanh thu của các công ty trên dao động khoảng 25-50%.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng và nguyên liệu nhập khẩu, lại phải chọn phương cách bảo vệ lợi nhuận thay vì mở rộng quy mô đầu tư. Các công ty này kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu cả năm khoảng 15-20%.

Xét trên yếu tố ngành nghề, theo khảo sát của Công ty Grant Thornton Việt Nam với 200 nhà đầu tư cùng thực tế tình hình đầu tư, có 3 lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất trong năm qua (cũng được dự báo tiếp tục có tiềm năng trong thời gian tới) là bán lẻ, viễn thông và giáo dục.

Đối với bản lẻ, mặt bằng bán lẻ đã đạt tỉ lệ lấp đầy các trung tâm thương mại trên 95%. Chưa hết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 1.500 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2009. Năm nay, lĩnh vực bán lẻ cũng chứng kiến sự ra đời hàng loạt cửa hàng, trung tâm bán lẻ của những công ty có tiếng như FPT, Thế Giới Di Động, Viettel, PNJ và hợp tác giữa G7 (Trung Nguyên) và đối tác Nhật Ministop trong kinh doanh cửa hàng bán lẻ tiện lợi. Bên cạnh đó, có 10 doanh nghiệp bán lẻ đã lọt vào Top 500 Nhà bán lẻ châu Á.

Đối với viễn thông, 2010 có thể được xem là một năm sôi động của các hoạt động đầu tư với doanh thu toàn ngành ước đạt 6 tỉ USD. Trong đó, doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2009.

Ngành giáo dục năm qua đã diễn ra nhiều dự án lớn như việc đầu tư và mở rộng hệ thống Trường Quốc tế Việt – Úc (do 2 quỹ Mekong Capital và FPT Capital đầu tư). Đại học FPT cũng mở rộng quy mô và tăng trưởng doanh thu đến 36%, mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong các mảng kinh doanh của Tập đoàn.

Trong khi các mảng bán lẻ, viễn thông và giáo dục đạt được những điểm sáng thì lĩnh vực vật liệu xây dựng (gạch, xi măng) và công nghiệp nặng (thép) dù có những khoản đầu tư lớn nhưng thị trường lại lâm vào tình trạng thừa cung.

Trên thực tế, lĩnh vực vật liệu xây dựng đã thu hút các dự án đầu tư lớn như Công ty Prime Group xây nhà máy gạch ở Quảng Nam, Công ty Théo Pomina xây nhà máy xi măng Bình Phước, nhà máy thép và phần lớn các doanh nghiệp thuộc những ngành này đều đang nghĩ đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhóm lĩnh vực vốn được xem là sôi động trước kia như chứng khoán, bất động sản có 1 năm không nhiều may mắn. Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán vào ngày cuối cùng của năm (31.12), VN-Index đã giảm 2,04% so với năm 2009. Tương tự, tình hình kinh doanh bất động sản cũng không khả quan hơn khi nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh căn hộ cao cấp, văn phòng hạng A, B, C phải ngậm ngùi chứng kiến tình cảnh kinh doanh ế ẩm dù đã liên tục giảm giá bán, giá thuê (khoảng 2-10%). Nhóm căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp cũng thừa cung trong lúc căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình, diện tích nhỏ, phục vụ nhu cầu số đông thì thiếu vắng các chủ doanh nghiệp tham gia, bởi tỉ suất lợi nhuận không cao.

Ngoại ít bứt phá

Dòng đầu tư của khối ngoại được phản ánh qua 2 nhóm đầu tư vốn trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). FDI năm 2010 không có nhiều sự kiện nổi bật, duy nhất chỉ có sự kiện Tập đoàn Intel (Mỹ) chính thức khánh thành nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất tại Việt Nam trong tháng 10.

Ở khía cạnh ngành nghề, vào những ngày cuối năm, danh sách thu hút FDI của Việt Nam chỉ ghi nhận thêm sự bứt phá để giành vị trí quán quân của ngành bất động sản với 4 tỉ USD đăng ký của dự án Khu Nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty Liên doanh Đầu tư Genting – VinaCapital tại Quảng Nam. Như vậy, trong FDI, bất động sản đã vượt qua các lĩnh vực truyền thống là chế biến – chế tạo và sản xuất – phân phối điện, khí, nước.

Đối với FII, hoạt động của các quỹ đầu tư, một trong những kênh chủ lực thu hút dòng vốn này cũng có một năm không mấy khởi sắc, nếu không muốn nói là không thành công, nhất là đối với các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tính đến tháng 11.2010, VN-Index đã giảm đến 13,6% so với đầu năm, dẫn đến hệ quả là hầu hết các quỹ có danh mục đầu tư chứng khoán đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản thuần âm trong cả năm.

Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư điện tử