Nhìn lại quan hệ thương mại với Trung Quốc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phụ thuộc lớn

Hiện nay, Việt Nam đang bị lệ thuộc lớn trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Cụ thể như sau:

Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Do đó, câu chuyện “được mùa – mất giá”, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua. Có thể thấy rõ nhất điều này trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu điển hình, như: xuất khẩu lúa gạo và cao su (chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu); sắn, các sản phẩm từ sắn (chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu)…

Chính vì việc phụ thuộc xuất khẩu quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ bị động khi Trung Quốc có những thay đổi trong chính sách biên mậu, tiểu ngạch như trường hợp cấm nhập khẩu gạo theo con đường tiểu ngạch vừa qua. Điển hình như mặt hàng sắn, từ năm 2013 đến nay, nhu cầu nhập khẩu sắn của Trung Quốc giảm khá nhiều do ngành công nghiệp ethanol tại nước này gặp khó khăn, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa. Chính vì thế, đầu ra của sắn và sản phẩm sắn Việt Nam cũng gặp khó theo. 

Trong những năm trước đây, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng khá cao và luôn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Kể từ cuối năm 2013, sang đến năm 2014, xuất khẩu cao su sang thị trường này suy giảm liên tục. Tính đến hết tháng 7/2014, xuất khẩu cao su đã giảm 46,72% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân của phía Trung Quốc. Thứ nhất là lo ngại rủi ro do “sự kiện Biển Đông”, nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động hạn chế xuất khẩu sang thị trường này. Thứ hai, trong nửa cuối tháng 6/2014, hình thức giao dịch tiểu ngạch đã bị đình chỉ tạm thời do một lệnh cấm của phía Trung Quốc.

Cuối tháng 3/2014, hàng trăm xe tải chở dưa hấu, thanh long bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) do phía Trung Quốc đột nhập không chấp nhận thông quan. Dưa hấu bị ùn ứ, hư hỏng tại ngay cửa khẩu, giá dưa bị đẩy xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Hay, tại nhiều tỉnh/thành phía Nam nơi trồng nhiều dưa hấu, thanh long phải đổ bỏ cho trâu bò ăn, người nông dân chịu trăm bề thiệt hại vì thương lái Trung Quốc bất ngờ không mua như đã cam kết trước khi gieo trồng.

Đã rất nhiều lần, thương nhân Trung Quốc len lỏi đến từng ngõ xóm, đầu làng để mua nông, hải sản, tài nguyên thiên nhiên, các loại động thực vật hoang dã… không rõ mục đích với giá cao bất thường, khiến người dân đổ xô đi thu – gom, nhưng một thời gian sau họ “mất tích”. Điều này vừa khiến người nông dân thiệt hại, vừa khiến môi trường tự nhiên và hệ sinh thái dễ bị tổn thương, mà không dễ gì khôi phục “một sớm, một chiều”.

Đối với lĩnh vực nhập khẩu, tính đến hết tháng 7/2014, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, lên đến 14,56 tỷ USD, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập siêu 2,08 tỷ USD từ Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, 70% hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc, là đầu vào quan trọng của sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc từ cây, con giống đến phân bón, thức ăn gia súc… Giá trị mặt hàng các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã gia tăng với cấp số nhân, từ gần 5 tỷ USD năm 2006 lên 19,5 tỷ USD năm 2012. Tỷ trọng hàng hoá vốn và hàng hoá trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc luôn vượt qua ngưỡng 80%, khiến Việt Nam càng hội nhập sâu vào mạng sản xuất toàn cầu thì càng bị phụ thuộc vào thị trường này (Phạm Chi Lan, 2014). 

Xét về cơ cấu Việt Nam đang đóng vai trò cầu nối xuất khẩu (với chi phí thấp) cho các ngành hàng thế mạnh của Trung Quốc. Diễn biến này đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu vào thế phụ thuộc Trung Quốc và chỉ đóng vai trò gia công với giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, do tâm lý người tiêu dùng Việt Nam ít tiền, ham của rẻ, nên chúng ta cũng để cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm chất lượng kém từ Trung Quốc vào, thậm chí hàng có những nhân tố độc hại. Như trong thời gian gần đây, các cơ quan nhà nước đã phát hiện ra các lô hàng lớn về các loại rau, củ, quả, gia vị, đồ chơi trẻ em… Trung Quốc có các hóa chất bảo quản và có thể gây ung thư.

Các mặt hàng máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng thường lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, thậm chí còn là hàng sắp hết hạn sử dụng. Điển hình như vụ việc diễn ra vào ngày 14/5/2014, hai máy biến áp AT1 và AT2 của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến ngành điện phải cắt đột hơn 1.000 MW. Đặc biệt, cả hai máy biến áp nói trên đều là hàng Trung Quốc và sự cố xảy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành (Lê Vân, 2014).

Như vậy, trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu. Trung Quốc luôn có chiến lược khoa học, mục tiêu rõ ràng và tổ chức bài bản chặt chẽ trong quan hệ thương mại với các đối tác. Trong khi đó chúng ta thường bị động, lúng túng đối phó thiếu tầm chiến lược và chưa tạo ra tiếng nói chung từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.

“Quả đắng bỏ thầu giá rẻ”    

Ngày 14/8 vừa qua, hai nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum (Kon Plông, Kon Tum) đã đồng loạt rút máy móc, công nhân về nước. Nguyên do là bởi, Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc đã bỏ thầu với giá hơn 1.600 tỷ đồng – chỉ bằng 44% giá thầu của các đơn vị khác đưa ra. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, doanh nghiệp này lại liên tục yêu sách, viện đủ lý do để đòi thêm hơn 800 tỷ đồng. Khi yêu cầu này không được đáp ứng thì họ… bỏ thi công.

Đây chỉ là một trong nhiều các gói thầu mà doanh nghiệp Trung Quốc thường làm, đó là bỏ thầu với giá rất rẻ, sau đó liên tục tìm cách đòi hỏi, dây dưa kéo dài thời gian thực hiện dự án để vòi thêm tiền từ chủ đầu tư.

Nguyên nhân vì sao?

Theo chúng tôi, thực trạng nói trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

– Trong quan hệ buôn bán, Việt Nam còn để cho buôn bán tiểu ngạch chiếm một thị phần lớn. Như việc thương lái Trung Quốc sang và mua những mặt hàng rất khó hiểu (như mua rễ cây, sừng/móng trâu bò…), thực chất là mang tính chất phá hoại đối với nền kinh tế. Đây cũng chính là phần khó kiểm soát nhất, gây mất ổn định, rủi ro và thua thiệt cho Việt Nam. Một thiệt hại vô hình nữa là buôn bán tiểu ngạch sẽ hạn chế hoặc triệt tiêu sức sáng tạo của người sản xuất nội địa khi họ ít quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa hàng hóa và chuyên nghiệp trong kinh doanh quốc tế. 

– Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển chậm, mặc dù từ năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Vì vậy, nước ta còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc do nước này có nguồn cung lớn, giá cả và phương thức mua bán thuận lợi. Thực tế, việc phụ thuộc vào Trung Quốc về các yếu tố đầu vào cho sản xuất của nhiều ngành dự báo sẽ ngày càng lớn nếu như Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu. Tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7 vừa qua, bà  Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với tỷ lệ 86%. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm tới 46%. Đây cũng chính là nút “thắt cổ chai” tại khâu dệt, nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ cần một nửa nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc “gặp trục trặc” thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã “bí” đầu vào cho sản xuất nếu không có phương án dự phòng.

– Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì cách quản trị và kinh doanh cũ, dễ dãi nên chỉ “hợp” với việc làm ăn kiểu Trung Quốc. Thực tế, đối với mặt hàng gạo, cao su, với cách thu mua dễ dãi, không đòi hỏi chất lượng của thương lái Trung Quốc, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam còn thụ động trong cách tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị trường. Điển hình như việc các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế, chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Gạo Việt Nam nhiều, Trung Quốc có nhu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cứ thế mang đi bán, không thiết lập được chuỗi giá trị, thiết lập được bạn hàng chiến lược. Nên, khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ, Trung Quốc sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ là người nắm thể chủ động.

– Phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu nên khó xuất khẩu nhiều đến những thị trường lớn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới, nhưng các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản, nhất là tại các thị trường lớn. Ví như, hàng nông sản Việt Nam chỉ chiếm từ 1%-3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản; với Hàn Quốc cũng ở mức dưới 5% (Chi Linh, 2014). Với cách sản xuất manh mún, công nghệ bảo quản chế biến lạc hậu, thô sơ; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo thì rất khó để nông sản Việt có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường trên thế giới.

– Ngoài các yếu tố kinh tế, như việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc trên thực tế mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam vì giá cả tương đối thấp, thời gian giao hàng nhanh do điều kiện địa lý gần gũi. Nhiều doanh nhân Việt Nam vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm từ “phí bôi trơn” mà phía Trung Quốc thường làm, nên không quan tâm tới chất lượng, bất chấp nhiều mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu vẫn sẵn sàng làm hậu thuẫn cho thương nhân Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp thực chất là của doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc nhưng “đội lốt” doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động (Hoàng Đức Thân, 2014).  Rõ ràng, trong làm ăn, đâu có lợi là doanh nghiệp tham gia. Nhưng vấn đề quan trọng hơn những lợi ích trước mắt là lợi ích lâu dài, giảm thiểu rủi ro. Muốn vậy, trong chiến lược kinh doanh phải tính toán tối ưu giữa lợi nhuận và rủi ro.

Cần phải làm gì?

Để giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, theo chúng tôi, trong thời gian tới, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, cần quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đặc biệt là vấn đề truy xuất xuất xứ hàng hóa. Hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu thô. Xây dựng tiêu chuẩn và hàng rào thương mại, môi trường phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hai là, kiểm soát biên giới, hạn chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Tước giấy phép kinh doanh, mạnh tay trừng trị các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, dùng hàng Trung Quốc giả hàng nước khác, thậm chí trong trong nước để hưởng ưu đãi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:. Có thể thành lập Ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tìm đối tác ở các nước đang phát triển thay thế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Thông qua các đối tác trung gian khi Trung Quốc sử dụng các đòn thương mại với Việt Nam. Mời trực tiếp các cơ quan xúc tiến, chuyên gia các nước sang giúp nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa theo qui chuẩn chất lượng của các nước.

Ba là, vẫn cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trên cơ sở khai thác lợi thế của Việt Nam. Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch và hàng hóa chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Tích cực khai thác và tận dụng các lợi ích từ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt khi xây dựng các chính sách kinh tế, thương mại phải hạn chế các nguy cơ bị lợi dụng từ phía Trung Quốc, có biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp với từng loại hoạt động và ngành hàng.

Bốn là, phải nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Để phát triển ngành này phải được thực hiện trên cơ sở hoàn thiện lại quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, từng ngành, từng lĩnh vực phải đợi rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của ngành mình theo phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó” và đề ra tiến độ cụ thể việc nội địa hóa cho từng sản phẩm, từng chi tiết chứ không đề ra theo kiểu “phong trào” như thời gian vừa qua.

Trên cơ sở rà soát các mục tiêu đã đề ra đó, Bộ Công Thương cùng với các ngành có liên quan cần tiến hành hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch, Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực để tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa các ngành, như: cơ khí chế tạo, điện tử, nhựa, cao su… đó là những ngành chủ chốt trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ.         

Năm là, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản trong nước chính là việc cần làm ngay để không chỉ thích ứng với tình hình mới, mà cũng là một nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà các địa phương đang ra sức thực hiện.

Sáu là, Việt Nam cần tận dụng triệt để cơ hội khi Hiệp định TPP khi được ký kết. Thực trạng cấu trúc nền kinh tế và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, khả năng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong các năm tới có thể vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, điều này có khả năng thay đổi tích cực khi TPP được thông qua. Trong TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ phải chú ý nhiều hơn đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế suất từ TPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ các nước là thành viên của Hiệp định này, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay. Nhưng mặt khác cũng phải có giải pháp đối phó làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào một số ngành tại Việt Nam để lách các quy định của TPP và được hưởng lợi từ các ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Hải quan (2007-2013). Báo cáo tình hình xuất – nhập khẩu các năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013

2. Phạm Chi Lan (2014). Đánh giá chung về tình hình thiếu tự chủ trong xuất – nhập khẩu của một số ngành kinh tế, Kỷ yếu Hội thảo Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, ngày 3/7/2014, Hà Nội

3. Lê Vân (2014). Từ sự cố của EVN và bài học cảnh tỉnh việc lệ thuộc nhà thầu Trung Quốc, truy cập từ http://kinhtevadubao.com.vn/dien-dan-kinh-te/tu-su-co-cua-evn-va-bai-hoc-canh-tinh-viec-le-thuoc-nha-thau-trung-quoc-2386.html

4. Chi Linh (2014). Để hàng nông sản Việt không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, truy cập từ http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/tuvanphapluat/2009/2/233072.cand

5. Hoàng Đức Thân (2014). Giảm lệ thuộc: Không phải chờ “sự cố” mới thay đổi, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/187380/giam-le-thuoc–khong-phai-cho–su-co–moi-thay-doi.html

Dương Lê Vân

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 16/2014