NHNN điều hành chính sách tỷ giá theo tín hiệu thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội thảo quan tâm nhất là tỷ giá. Nhiều doanh nghiệp phản ánh đang phải mua ngoại tệ từ ngân hàng với giá cao hơn giá niêm yết.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, cấm các hình thức nâng giá bán ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Hiện đã phát hiện một trường hợp và NHNN đang yêu cầu đơn vị này báo cáo để xem xét xử lý. Ông Giàu cũng cho biết đang có hiện tượng găm giữ ngoại tệ đầu cơ trong doanh nghiệp và ông đã chỉ đạo các ngân hàng theo dõi và báo các về vấn đề này cho NHNN. “Tình hình vĩ mô hiện nay là không quá căng thẳng khi chúng ta đang trong tình trạng xuất siêu”, ông Giàu nói.

Ông Giàu nói việc phá giá đồng tiền Việt Nam sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu lẫn các khoản nợ trong nước khi Việt Nam vẫn phải đi vay nợ nước ngoài.

Ông cũng cho biết sẽ khó thông báo trước cho các doanh nghiệp về xu hướng của các chính sách tiền tệ vì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thế giới vốn rất khó dự đoán.

Có mặt tại buổi gặp gỡ, giáo sư Trần Hoàng Ngân, hiệu phó trường Đại học Kinh tế và là một thành viên trong Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng việc phá giá đồng tiền về lý thuyết là khuyến khích xuất khẩu, nhưng nếu xuất khẩu không được do tổng cầu toàn thế giới hiện đang suy giảm thì sẽ ảnh hưởng gấp đôi lên nền kinh tế.

Ông Ngân cho biết “Không nên phá giá tiền đồng trong lúc này nhưng nên điều chỉnh theo hướng có lợi cho xuất khẩu và chúng ta hiện đang làm như vậy”. Khi Mỹ công bố trong năm nay sẽ bội chi ngân sách 12% – 13% GDP, đô la Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng trong hai ngày vừa qua; tuy nhiên Việt Nam lại điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng lên chứng tỏ đang điều chỉnh tỷ giá theo hướng cho tiền đồng mất giá để có lợi cho xuất khẩu, ông Ngân nói.

Tại buổi họp, ông Giàu cũng thông báo trước các doanh nghiệp rằng, NHNN nghiêm cấm việc vay vốn hỗ trợ lãi suất để đảo nợ của doanh nghiệp, tức vay nợ ngân hàng để trả nợ cũ tại ngân hàng đó hoặc tại tổ chức tín dụng khác, và các chủ tịch, tổng giám đốc từng ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc này. “Việc doanh nghiệp trả nợ cũ và vay nợ mới phục vụ sản xuất kinh doanh không gọi là đảo nợ vì nếu muốn vay nợ mới cần phải đảm bảo có phương án sản xuất kinh doanh khả thi”, ông nói.

T.TRIỀU
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online