Nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp đang gia tăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ đang nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.

Công nhân may làm việc tại công ty TNHH FTN Việt Nam (Ảnh: Lê Toàn).
Công nhân may làm việc tại công ty TNHH FTN Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Theo nhận định từ một đơn vị dịch vụ tuyển dụng, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ô tô đang có kế hoạch mở rộng quy mô trong năm 2021, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng.

Bên cạnh đó, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam. 

Do quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều nên dự kiến họ sẽ mở rộng ở các khu công nghiệp mới tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Cần Thơ. 

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021, Đồng Nai thu hút được 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 11 dự án FDI nêu trên, có nhiều dự án vốn lớn, điển hình như dự án Hansol Electronics (vốn đầu tư 100 triệu USD), dự án nhà máy Công ty Ojitex (60 triệu USD). Đặc điểm chung của 2 dự án này là nhà đầu tư đã có dự án đang hoạt động ở Việt Nam, việc sản xuất, kinh doanh của họ trong thời gian qua thuận lợi nên họ mở thêm dự án mới. Chủ đầu tư các dự án cam kết, ngay trong quý I/2021 sẽ giải ngân vốn, xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc và đi vào hoạt động từ cuối năm 2021.

Hay với Bình Dương, UBND tỉnh cũng đã đặt kế hoạch thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm nay. Trong nhiều năm gần đây, Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút vốn FDI, như giai đoạn 2016-2020, tỉnh này có kế hoạch thu hút 7 tỷ USD vốn FDI nhưng thực tế đã hoàn thành sớm hơn 1 năm. 

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mục tiêu thu hút hơn 9 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn 2020-2025 cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm hoàn thành trước kế hoạch.

Ngoài nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành sản xuất tại các khu công nghiệp, nhân sự trong ngành công nghệ thông tin tiếp tục được “săn đón”. Tuy nhiên, trong khi nhân sự người Việt chỉ đáp ứng được một số kỹ năng, công nghệ, quy mô quản lý và mô hình kinh doanh nhất định thì các doanh nghiệp trong ngành này đang tìm kiếm các ứng viên người nước ngoài.

Các ứng viên được tìm kiếm nhiều thuộc các quốc tịch châu Âu và Mỹ sử dụng tiếng Anh bản ngữ. Bên cạnh đó là các ứng viên quốc tịch Ấn Độ cho mảng công nghệ thông tin do các ứng viên này có trình độ chuyên môn cao cũng như phù hợp về ngân sách lương của các doanh nghiệp trong ngành. 

Các doanh nghiệp trong ngành công nghệ vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào các nhân sự chất lượng cao nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Đi cùng với đó, việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu và có chính sách lương thưởng tốt cũng đang được thực hiện triệt để nhằm thu hút nhân sự chất lượng.

Dù đại dịch Covid-19 vẫn khiến ngành công nghệ thông tin trì hoãn trong tuyển dụng, tuy nhiên vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000  kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021.