Nhu cầu yếu, giá cao su châu Á giảm mạnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cao su SIR20 kỳ hạn tháng 6 của Indonesia giá hiện ở mức 4,885 đô la/kg, không thay đổi so với phiên cuối tuần qua (22/4), nhưng giảm mạnh so với một tuần trước đây.

Cao su SMR20 của Malaysia cao hơn 5 đô la so với cao su Indonesia, song hàng bán cũng không tìm được người mua.

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm khá mạnh trong tuần qua, với loại SVR CV giảm 3,4% xuống 115.000 đồng/kg, trong khi loại SVR 20 giảm 7,1% xuống 97.800 đồng/kg, do thiếu vắng khách hàng Trung Quốc.

Thảm hoạ kép động đất và sóng thần ở Nhật hồi đầu tháng 3 đã ảnh hưởng tới sản lượng ô tô Nhật nhiều hơn dự kiến. Thêm vào đó, Trung Quốc thắt chặt kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát có nguy cơ làm giảm mạnh sản xuất và tiêu thụ ô tô.

Toyota Motor Co đã mất ngôi vị hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới sau đại thảm hoạ hồi đầu tháng 3, khi sản lượng trong nước giảm mạnh trong tháng 3/2011. Tập đoàn Toyota ngày 25-4 cho biết sản lượng ô tô của họ tại Nhật Bản trong tháng 3 bị giảm đến 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện các nhà máy của hãng ở Nhật và một số nhà máy ở Châu Âu và Bắc Mỹ đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng do thiếu phụ tùng. Thậm chí một số cơ sở phải tạm dừng hoạt động. Dự báo ít nhất phải đến cuối 2011 sản xuất của hãng mới trở lại bình thường.

Tập đoàn Nissan cũng thông báo sản lượng của họ tại Nhật trong tháng 3 giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái với lý do tương tự như của Toyota,

Tin mới cập nhật:

Sáng nay 26/4, giá cao su tiếp tục giảm do lo ngại nhu cầu yếu. Cao su tại Thượng Hải giảm giá mạnh kéo theo giá tại Tokyo và các thị trường Châu Á khác giảm theo.

Theo những thông tin mới nhận, hãng Toyota Motor Co có thể từ vị trí hãng sản xuất số 1 rơi xuống số 3 thế giới sau General Motors và Volkswagen do hậu quả của động đất và sóng thần buộc hãng phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất ở nhiều cơ sở. Toyota cho biết họ đang đóng cửa nhà máy lắp ráp ở Brazil trong vòng 3 đến 4 tuần tới.

Nông dân ở Thái Lan và Malaysia bắt đầu khôi phục thu hoạch mủ cao su, song nguồn cung chưa chắc sẽ tăng mạnh bởi phải mất vài tuần thì mủ cao su mới được chuyển thành tấm để bán ra thị trường.

Reuters dẫn lời một thương gia ở đảo trồng cao su chính của Indonesia – Sumatra nói: “Tôi nghĩ rằng sẽ là may mắn nếu chúng ta vẫn có thể bán cao su với giá 5 đô la/kg”, và thêm rằng: “Thị trường đang biến động rất mạnh. Giá thay đổi chóng mặt, buổi sáng khác xa buổi trưa. Giá tại Trung Quốc hiện rất thấp”.

Theo một thương gia ở Singapore, giá tại Trung Quốc hiện dưới 5 đô la/kg. Trên Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) – nơi giá được dùng tham khảo cho thị trường cao su kỳ hạn toàn cầu, hợp đồng giao dịch nhiều nhất (hiện là kỳ hạn tháng 10) đã giảm xuống chỉ 395,4 Yen/kg, thấp chưa từng có từ cuối tháng 3, và thấp hơn tới 30% so với mức cao kỷ lục 535 Yen hồi tháng 2.

Cao su RSS3 của Thái Lan – được dùng tham khảo cho toàn thị trường physical (hàng thực)– đã giảm hơn 8% khỏi mức kỷ lục cao 6,40 đô la/kg đạt hồi tháng 2, theo xu hướng thị trường kỳ hạn, mặc dù thời tiết ở nước sản xuất lớn nhất thế giới gây nhiều bất lợi cho sản lượng vụ này.

Tuần qua không có hợp đồng giao dịch nào đối với hai loại RSS3 và STR20 của Thái Lan, bởi khách hàng Trung Quốc chuyển sang sử dụng nguồn dự trữ do lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của Bắc Kinh có thể làm giảm mạnh nhu cầu. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng nóng, với lạm phát lên tới mức cao kỷ lục 32 tháng đã buộc chính phủ Trung Quốc phải mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn giá tăng và giữ tăng trưởng kinh tế trong tầm kiểm soát.

Các thương gia cho biết giá chấp nhận bán cao su SIR20 của Indonesia rẻ hơn tới 100 đô la/tấn so với giá niêm yết, trong khi các loại của Thái Lan rẻ hơn khoảng 20 đô la bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã có đầy hàng trong kho và phải giảm giá bán để hấp dẫn các hãng sản xuất lốp xe.

Về triển vọng thị trường những tuần tới, dự báo nỗi lo về nhu cầu yếu sẽ tiếp tục phủ bóng lên thị trường, song Trung Quốc có thể sẽ trở lại mua nếu thấy dự trữ giảm quá nhiều. Dự trữ cao su tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm 7,7% xuống chỉ 14.717 tấn trong ngày 22/4/2011.

Theo Reuters