Những anh hùng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không biết bao nhiêu lần tôi tự hỏi, tại sao những người tốt trên đời lại hay phải ra đi sớm?

Sáng hôm 3/1/2021, tôi được mời đến buổi giới thiệu sách “Nhật ký phi công tiêm kích” của trung tướng, anh hùng, phi công Nguyễn Đức Soát.

Trước đó tôi đã nhận được cuốn sách này do tác giả gửi qua anh Nguyễn Duy Tộ và đọc một lèo. Cách anh viết về cuộc sống và chiến đấu của thế hệ mình làm tôi nhớ đến một kỷ niệm sau 10 năm xa cách gặp lại mẹ tôi giữa Matxcova lạnh giá, khi bà và một vài cô, chú, từ miền Nam khói lửa sang Liên xô chữa bệnh. Đó là vào mùa đông năm 1974.

Có một cô, tên Bùi Thị Mè, ngồi giở cuốn album nhỏ, chỉ vào các tấm hình, nói nhẹ nhàng: “Đây là thằng… hy sinh năm 19…, thằng này thứ…, hy sinh năm 19… tại…. Còn thằng này út nè cháu, hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi”.

Tôi lặng người. Nhìn các anh còn quá trẻ là một nhẽ, nhưng cách cô kể, giọng trầm tĩnh, pha chút tự hào, như các anh chỉ đi đâu đó rồi sẽ về, quả thực khiến tôi bị sốc. Cả đêm đó tôi không ngủ được. Mỗi một người chỉ có một lần chết, nhưng cô đã chết ba lần.

Tôi nhớ một buổi chiều muộn tháng 12 năm 1972, đoàn học lái máy bay tại Nga có 8 người Hà Nội. Các bạn ngồi trong căn phòng của tôi. Ngoài trời rất lạnh với những người lần đầu tiên biết tuyết. Chúng tôi hồi lâu không ai nói gì, đó là lúc được tin Mỹ dùng B52 ném bom nhiều thành phố trong đó có Hà Nội.

Tôi phá tan sự im lặng, “này, mai mốt đi chiến đấu, nếu hết đạn, hết tên lửa mà thấy B52 có nên lao máy bay vào không nhỉ?”. Im lặng. Ai đó nói, chiến tranh còn dài mà, nhưng cũng chẳng biết được. Trong bóng tối, tôi thấy có cái nhíu lông mày, có bàn tay như nắm lại.

Phòng tôi sau đó có thêm ba người nữa: Trần Văn Deo, Nguyễn Xuân Ân, Bùi Văn Ký. Sau khi cấp trên chuyển tôi lên Matxcova học kỹ sư, ba người còn lại tốt nghiệp phi công về nước. Rồi cứ cách một thời gian tôi lại nhận tin dữ. Ký hy sinh 1979 khi chưa có gia đình, Ân hy sinh 1982 khi vợ sinh con gái đầu lòng được mấy tháng. Và cuối cùng, anh Deo – tiểu đội trưởng đầu tiên trrong đời quân ngũ của tôi – hy sinh khi còn một tháng nữa nghỉ hưu.

Nhiều người tốt phải ra đi sớm, hay là để nhiều người sống chưa tốt hiểu và sống tốt hơn, có ích hơn chăng?

Có một bài hát Nga về các chiến sỹ Hồng quân hy sinh, thời chúng tôi học rất thích, “Đàn sếu”. Có đoạn: “Những người lính hy sinh, tôi nghĩ, không nằm lại đất lạnh, mà biến thành sếu trắng. Phải chăng vì thế ta thường ngắm trời xanh, trong đớn đau, câm lặng?”. Tôi cũng hay ngước nhìn trời cao và biết rằng ở nơi rất xa và rất xanh kia có những đồng đội thân thiết của tôi.

Khi được đề nghị phát biểu giao lưu với tác giả cuốn sách trên, tôi chỉ nói rằng cách các anh bình dị đi chiến đấu, bình dị trở thành anh hùng, bình dị trở về với đời thường là sự vĩ đại của dân tộc này.

Cũng trong buổi gặp mặt đó, tôi cảm thấy mình như lẻ loi giữa một rừng các anh hùng, các thần tượng của tôi một thời: đại tá Vũ Ngọc Đỉnh đã bắn rơi 6 máy bay, đại tá Lương Thế Phúc đã bắn rơi một máy bay, đại tá Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi bốn máy bay, đại tá Từ Đễ là thành viên phi đội Quyết thắng đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Được bắt tay, được ôm các anh, tôi cảm thấy mình hình như lớn lên đôi chút giữa tuổi 65 này. Và tôi chợt nhớ tới người anh hùng duy nhất là thợ máy hồi đó, trung tướng Trương Khánh Châu, người đã giới thiệu tôi vào Đảng khi tôi đang là học viên, còn anh đang nghiên cứu sinh tại Học viện Kỹ thuật hàng không Giucopxky, Matxcova.

Anh được phong anh hùng bởi những cải tiến kỹ thuật trong thời chiến: lắp dù đuôi cho Mig 17 để hạ cánh trên đường băng ngắn, lắp rocket cho máy bay huấn luyện L 29 để có thể tham gia chiến đấu, lắp ống nhòm cho máy bay ném bom IL 28 để trinh sát…

Sau một thời gian bồi dưỡng, đầu năm 1975 anh bảo tôi viết đơn xin gia nhập Đảng Lao động Việt Nam. Vài hôm sau, anh buồn rầu thông báo: “Chi bộ không chấp nhận Thành ạ”. Thấy anh Châu buồn quá, tôi động viên, “anh yên tâm, em sẽ phấn đấu lại ạ”. Và một năm sau, năm 1976, tôi đã được kết nạp, cho đến năm nay, tôi tròn 45 năm tuổi Đảng.

Từ buổi giới thiệu sách ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi. Anh hùng khác người thường ở chỗ nào? Phải chăng vì họ biết làm những việc phi thường một cách bình thường và biết sống bình thường khi đã trở thành phi thường?

Lê Kiên Thành