Những bất cập từ sở hữu chéo ngân hàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó xác định đúng nguồn lực ngân hàng

Trên thực tế, thông qua sở hữu chéo, cổ đông ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B để góp vốn vào ngân hàng A và ngược lại. Tình trạng đó tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng, và có nhiều ngân hàng đã được nâng cấp với số vốn tăng nhanh đáng ngạc nhiên, trong đó có thể có phần của sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, công ty đầu tư.

Hệ lụy của vấn đề này khiến việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng bị sai lệch, vì rất nhiều chỉ số dựa trên số vốn tự có, trong khi vốn đó là vốn ảo. Các chỉ số không chính xác lại dẫn đến sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc giám sát đối với hệ thống tài chính. Rủi ro thị trường tài chính ngân hàng mang tính hệ thống vì đó là quan hệ giữa dòng tiền với nền sản xuất thực. Vì thế, khi những rủi ro bùng phát thì sẽ tác động đến cả nền sản xuất và tính bền vững của hệ thống ngân hàng.

Vô hiệu hóa quy định giới hạn tín dụng

Theo quy định, một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng… nhằm hạn chế sự thâu tóm ngân hàng trái pháp luật.

“Song, khi sở hữu chéo thì quy định này sẽ bị vô hiệu hóa. Bởi lẽ, sở hữu chéo cho phép một doanh nghiệp, hay ngân hàng thương mại, có tỷ lệ cổ phần lớn trong các ngân hàng thương mại có thể gây áp lực để ngân hàng này cấp vốn đầu tư vào những dự án của doanh nghiệp hay ngân hàng “sân sau” của mình” – ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia tài chính,bình luận.

Ông Vinh cho rằng, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ là quy định bị “vượt rào”, bộ máy sàng lọc theo tiêu chí hiệu quả đầu tư của ngân hàng thương mại bị vô hiệu.

Các quy định về các đối tượng cấm cho vay, hạn chế cho vay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, pháp luật không cho phép tổ chức tín dụng cho vay đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người thân của họ và một số đối tượng khác. Tuy nhiên, những người này lại có thể vay ở tổ chức tín dụng khác mà tổ chức của mình là cổ đông lớn. Sở hữu chéo cũng giúp các ngân hàng có thể lách quy định về việc không được cho các cổ đông của mình vay vốn bằng cách cho các Cty con của các doanh nghiệp vay vốn.

“Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng thương mại rất dễ biến thành kênh huy động vốn cho Tập đoàn, các Cty con của Tập đoàn,…” – Thạc sĩ Trịnh Thanh Huyền (Vietinbank) nhận định – “Nhìn xa hơn, “mạng nhện” liên kết còn thể hiện ở những hoạt động kinh doanh thiếu kiểm soát, sự nhập nhằng trong việc cho vay, trong thẩm định và cung ứng vốn vay…”.

Thạc sĩ Huyền ví dụ, nhiều trường hợp ngân hàng A đang là cổ đông lớn chi phối ngân hàng B, không muốn thông qua một khoản vay, đã đẩy khách hàng cho ngân hàng B mà không gặp trở ngại gì do A đang nắm giữ cổ phần chi phối tại B. B biết khách hàng không đáp ứng tiêu chuẩn cho vay nhưng khó có thể từ chối vì đang được điều hành bởi người của A.

Một hệ lụy khác là sở hữu chéo cũng có thể cho phép ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B, nơi A có sở hữu, cho vay, qua đó giảm được mức nợ xấu phải khai báo và không phải trích dự phòng rủi ro tương ứng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước khó nắm được chính xác số nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể chia thành 6 nhóm:

1. Sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các Ngân hàng liên doanh

2.Cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM

3.Cổ đông tại các NHTM là các Cty quản lý quỹ

4.Sở hữu của NHTM nhà nước tại các NHTM cổ phần

5. Sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần

6.Sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước và tư nhân

Nguồn: Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Kim Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam