Những mâu thuẫn phải giải quyết
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đầu tiên, trong khi đồng tiền của đại đa số các nước đang lên giá so với đô la Mỹ, tiền đồng Việt Nam liên tục chịu sức ép xuống giá. Từ yen Nhật đến đô la Úc, từ baht Thái đến euro, đô la Mỹ trông ngày càng yếu sức. Các nước phải tìm cách ngăn chặn sự lên giá đồng tiền của mình để còn duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Việt Nam lại khác – mới tuần trước, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá trong một ngày, tỷ giá chính thức tăng đến 5,44%.

Thứ đến là lãi suất, các nước đều đang duy trì mức lãi suất thấp để thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế trong khi Việt Nam vừa mới phải nâng lãi suất cơ bản từ 7%, mức rất cao so với nhiều nước, lên 8%.

Lãi suất như ở Việt Nam lẽ ra là một sức hút mạnh mẽ dòng tiền nóng của các nhà đầu tư tài chính trên thế giới rót tiền vào Việt Nam nhưng, trái với các nước, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào nước ta không tăng mà thậm chí đang có dấu hiệu giảm.

Cuối cùng, mặc dù nước nào cũng lo chuyện lạm phát nhưng các chính sách chưa phải đưa cân nhắc này vào để tính toán; còn ở Việt Nam, khả năng lạm phát quay trở lại là nỗi lo thường trực, tác động lên mọi động thái chính sách.

Nhìn lại tình hình chung của các nước, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các biểu hiện nói trên đối với họ là dễ hiểu. Một khi lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác từ thấp đến rất thấp, dòng tiền nóng dịch chuyển đổ vào các nền kinh tế châu Á để hưởng lãi suất cao. Tiền vào nhiều gây sức ép lên giá các đồng nội tệ, làm tăng giá chứng khoán, địa ốc… Các nước phải đối phó bằng cách bỏ tiền ra mua đô la Mỹ để ngăn bớt đà lên giá nội tệ nhưng cũng phải đa dạng hóa dự trữ bằng vàng chẳng hạn. Đó là lý do vì sao vàng liên tục tăng giá.

Ở nước ta tình hình có khác. Dòng tiền đầu tư tài chính không đổ vào như các nước vì mức độ hấp dẫn ở đây thấp hơn các nước khác nhiều do chỉ số P/E cao hơn so với các thị trường khác. Cộng với xuất khẩu giảm, kiều hối giảm, Việt Nam phải chịu sức ép lên cán cân thanh toán nên tiền đồng mất giá so với các ngoại tệ khác là điều đương nhiên. Trong bối cảnh đó, không thể nào giảm lãi suất nếu muốn giữ chân dòng vốn huy động. Mà lãi suất tăng thì thị trường cổ phiếu càng chịu sức ép giảm giá – làm cho vòng luẩn quẩn này càng khó thoát ra. Ngoài ra Việt Nam là một trong ít nước ở châu Á đang chịu vừa thâm hụt cán cân thanh toán lẫn thâm hụt ngân sách.Bởi những biểu hiện khác bức tranh chung của nền kinh tế toàn cầu trong khi độ mở của nền kinh tế lại lớn cho nên đã có nhiều chính sách triệt tiêu lẫn nhau được đưa ra trong thời gian qua. Các chính sách “kích cầu” như bù lãi suất là nhằm kích thích tăng trưởng nhanh nhưng tăng lãi suất là nhằm giảm nguy cơ lạm phát, nhắm tới chuyện hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Có một cái nhìn chung như thế, mới hiểu vì sao Quốc hội tuần trước đã đặt ra những yêu cầu khó dung hòa với nhau: “tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn năm 2009” và “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại”.

Chuyên mục “Sự kiện & Vấn đề” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tuần này giới thiệu hai bài “Có cần tiếp gói kích cầu thứ hai?” tr.12 của TS. Trần Đình Thiên và “Nhìn lại hiệu quả gói kích cầu đầu tiên” tr.14 của TS. Vũ Đình Ánh. Các tác giả đưa ra nhiều phân tích để cuối cùng đi đến kết luận không nên có gói kích cầu thứ hai. Sở dĩ các tác giả có thể đưa ra kết luận dứt khoát như thế là nhờ họ đã xác định ưu tiên phát triển bền vững và tăng trưởng có chất lượng.Thiết nghĩ, các chính sách kinh tế trong thời gian tới cũng phải xác định ưu tiên trước khi ban hành. Sự đánh đổi hiện nay là cao hơn bao giờ hết đối với mọi chính sách; có lợi cho khía cạnh này, cho khu vực này thì gây hại cho khía cạnh khác, cho khu vực khác. Vì thế xác định ưu tiên chính là để duy trì sự nhất quán và đi kèm là sự giải thích rộng rãi, sẽ tạo một sự đồng thuận tương đối trong xã hội. Nhiều người nhận định Việt Nam đi qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 tương đối nhẹ nhàng chính là nhờ người dân với sự linh động, với tiềm lực tiết kiệm cao, với sức mua bền vững… Cho nên ưu tiên của năm 2010 cũng phải lấy lợi ích của đại đa số người dân làm trung tâm, trong đó chống lạm phát trở lại là quan trọng nhất.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online