Nhượng quyền thương mại: Rộng cửa nhưng không dễ thành công
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp nước ngoài đang đến

Sự thành công của một số doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc nhượng quyền kinh doanh cũng như bán lẻ ở thị trường trong nước đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp của nước này hướng đến thị trường Việt Nam. Tại Triển lãm quốc tế nhượng quyền thương hiệu và bán lẻ 2015 diễn ra tại TPHCM, ông Won-mok Yang, phụ trách gian hàng của Công ty AT Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corp., doanh nghiệp chịu trách nhiệm quảng bá và tìm kiếm đối tác Việt Nam để nhượng quyền cho bảy nhãn hiệu của doanh nghiệp Hàn Quốc, cho biết đây là những thương hiệu lần đầu tiên đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội nhượng quyền kinh doanh. “Với dân số đông, đa số trẻ tuổi, cùng với nền kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc vào thị trường này thông qua nhượng quyền”, ông Yang nói.
Sở hữu khoảng 150 cửa hàng cà phê tại xứ kim chi, doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cà phê Selecto đang xem Việt Nam là thị trường quan trọng để nhượng quyền thương hiệu. Theo ông Hwang Kyu Youn, Giám đốc điều hành Selecto, văn hóa Hàn Quốc đã được nhiều người Việt biết tới; số lượng người Hàn Quốc đến Việt Nam kinh doanh và sinh sống ngày càng nhiều, vì thế, Selecto muốn nhượng quyền để mở rộng thương hiệu tại Việt Nam.

Thị trường Việt Nam không chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp trong khu vực châu Á mà cả nhiều doanh nghiệp phương Tây. Hãng bánh mì Délifrance của Pháp lần đầu tiên đến Việt Nam để quảng bá thương hiệu và tìm đối tác nhượng quyền. Ông Fabrice Herlax, Giám đốc tiếp thị nhượng quyền bán lẻ quốc tế của Délifrance, cho biết hãng này đã mở rộng thị trường ở các nước châu Âu, châu Á và đang hướng đến các nước Đông Nam Á. “Chúng tôi đánh giá châu Á là đích đến quan trọng, trong đó, Việt Nam có dân số đông và kinh tế đang có chiều hướng tăng trưởng, có nhiều tiềm năng cho việc nhượng quyền”, ông Herlax nhận định.
Délifrance là một trong số 20 doanh nghiệp ở khu vực châu Âu và Mỹ tham gia triển lãm nêu trên có khuynh hướng đẩy mạnh nhượng quyền thương mại ở Việt Nam. Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Bán lẻ và Nhượng quyền châu Á (Retail & Franchise Asia) – đơn vị đại diện cho nhiều thương hiệu nhượng quyền nước ngoài tại Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 40 thương hiệu nước ngoài đang tìm đối tác Việt Nam cho việc nhượng quyền độc quyền để khai thác thị trường Việt Nam. 90% trong đó đến từ châu Âu và Mỹ, và đa số thuộc các lĩnh vực ẩm thực, giáo dục, đào tạo, phòng tập thể thao…

Trong bối cảnh thị trường châu Âu chưa hồi phục, các doanh nghiệp châu Âu, kể cả doanh nghiệp Mỹ, đang có động thái chuyển hướng kinh doanh sang châu Á. Họ muốn vào thị trường Việt Nam không chỉ vì 90 triệu người tiêu dùng Việt mà còn vì Việt Nam sắp là thị trường của Cộng đồng kinh tế ASEAN với hơn 600 triệu dân.

Vẫn độc quyền hơn là nhượng quyền

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2007 đến nay, bộ này đã cấp phép cho hơn 140 thương hiệu nước ngoài nhượng quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu hoạt động với giấy phép nhượng quyền độc quyền (master franchisee) từ các công ty nhượng quyền (franchisor) nước ngoài. Những master franchisee đều là những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Cũng có một số thương hiệu nước ngoài chọn những đối tác thân quen của mình ở các nước khác để nhượng quyền lại, như Starbucks ở Việt Nam chọn Maxim – một tập đoàn Hồng Kông đã triển khai mô hình Starbucks tại nhiều quốc gia châu Á.

Giới phân tích cho rằng bản chất của hoạt động nhượng quyền là các công ty nhận nhượng quyền độc quyền thiết lập hệ thống kinh doanh mẫu tại thị trường nội địa, sau đó nhanh chóng mở rộng hệ thống theo cách thức nhượng quyền thứ cấp (sub-franchise). Tuy nhiên trên thực tế nhiều năm qua, phần lớn các công ty này đều tự mở cửa hàng và hiếm thấy những trường hợp nhượng quyền thương mại thứ cấp thành công. Ngay cả Jollibee là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh có mặt sớm nhất ở Việt Nam, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một cửa hàng nhượng quyền thứ cấp nào. Các master franchisee của hàng loạt thương hiệu lớn khác như McDonald’s, Starbucks… cũng chưa cho thấy kế hoạch nhượng quyền thứ cấp.

Để lý giải, một doanh nhân trong ngành ẩm thực cho rằng việc các công ty nhận nhượng quyền chưa mặn mà nhượng quyền thứ cấp là vì họ e ngại sự rủi ro cho thương hiệu. “Nhượng quyền thứ cấp giúp giảm gánh nặng chi phí mở cửa hàng và giúp thương hiệu phát triển nhanh hơn, tuy nhiên đi kèm theo đó là lời giải cho bài toán quản trị”, ông này nói.

Thật vậy, các công ty nhận nhượng quyền cho đến nay vẫn muốn kinh doanh “độc quyền” hơn là mở rộng bằng nhượng quyền thứ cấp. Họ cũng thừa nhận việc rất khó quản lý các đối tác nhượng quyền thứ cấp nhằm đảm bảo duy trì sự nhất quán về tiêu chuẩn. Một trong những khó khăn cụ thể mà họ đề cập là khó tuyển dụng nhân sự có chuyên môn về nhượng quyền thương mại để phát triển một hệ thống nhượng quyền chuyên nghiệp.

Có một thực tế được giới quan sát ghi nhận là ngay cả các master franchisee cũng thiếu kỹ năng và kiến thức về nhượng quyền thương mại. Do vậy, khi nhượng quyền thứ cấp, họ thường vấp phải những sai lầm trong các vấn đề như phí nhượng quyền, đào tạo đối tác nhận nhượng quyền, thiết lập hệ thống hỗ trợ đối tác… Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cửa hàng nhượng quyền không thể duy trì hoạt động đúng tiêu chuẩn. Và do vậy, một số công ty đã chọn phương án tự mở cửa hàng thay vì nhượng quyền thứ cấp.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội?

Việc các master franchisee chọn cách tự phát triển hệ thống, theo các chuyên gia, nó khiến tăng chi phí vận hành, tăng vốn đầu tư, và điều quan trọng hơn là nó đi ngược với nguyên tắc nhượng quyền. Điều này có thể giúp lý giải phần nào cho một thực tế là nhiều chuỗi nhượng quyền hoạt động đã lâu nhưng vẫn không đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng.

Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc làm đúng bài bản để phát triển nhanh hệ thống. Jollibee vừa công bố bắt đầu nhượng quyền kinh doanh thứ cấp. Lotteria thì đã nhượng quyền được bảy cửa hàng sau khi phát triển được khoảng 200 điểm bán. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop cho biết sẽ bắt đầu nhượng quyền vào cuối năm tới…
Liệu doanh nghiệp trong nước có nắm bắt được cơ hội này để nhận nhượng quyền thương mại?

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp mua nhượng quyền thương mại hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết ở một số nước, người mua nhượng quyền được ngân hàng cho vay tới 70% giá trị hợp đồng, trong khi ở Việt Nam, doanh nghiệp nhận nhượng quyền không dễ vay tiền ngân hàng.

Một điểm hạn chế khác là người mua nhượng quyền không am hiểu và thiếu kinh nghiệm kinh doanh nên rất khó đi đến ký kết hợp đồng. Vẫn còn không ít “ông chủ” các cửa hàng ở Việt Nam hiểu nhầm là kinh doanh nhượng quyền không có rủi ro, ông chủ cửa hàng không cần phải tốn thời gian… Thật ra, các cửa hàng nhận nhượng quyền đòi hỏi ông chủ của nó phải có sự quan tâm sâu sát và dành quỹ thời gian nhất định cho cửa hàng, thậm chí phải xắn tay áo để dọn dẹp, bưng bê, tiếp khách… như một nhân viên. Điều này không phải dễ dàng đối với bất kỳ ông chủ cửa hàng người Việt nào.

Các luật sư thì cho rằng khung pháp lý về hoạt động nhượng quyền thương mại vẫn chưa bao phủ được tất cả khía cạnh của hoạt động này, dẫn đến sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn