Niềm vui đầu năm cho doanh nghiệp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ngay từ những ngày đầu năm, một tin vui đến với cộng đồng doanh nghiệp đó là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Đây là nghị định được Chính phủ ban hành đầu tiên trong năm 2021, với nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được bãi bỏ.

Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối. Một số thủ tục hành chính không cần thiết đã được bãi bỏ như: Công bố con dấu, thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp…

Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Để bảo đảm minh bạch, nghị định cũng đã quy định công khai hóa các thông tin cơ bản về doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác “hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Thực tế cho thấy, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch “một cửa nhiều khóa” đã trở thành một trong những nỗi ám ảnh, đồng thời cũng là lực cản đối với phát triển doanh nghiệp. Tình trạng này cũng được Ủy ban Tư pháp chỉ rõ trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Báo cáo thẩm tra nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách thủ tục hành chính trong một số trường hợp vẫn chậm, nhiều thủ tục hành chính còn chưa thực sự hợp lý, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa; hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn diễn ra phổ biến trong một số lĩnh vực.

Theo báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 cho thấy, 63/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần. Điểm nghẽn thủ tục này đã tạo chi phí tuân thủ mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu. Từng nghe doanh nghiệp than thở để sản xuất được kẹo socola có tới 13 giấy phép hay 1 mặt hàng chịu quản lý 3 – 4 bộ… Những rào cản thủ tục đã làm tăng chi phí, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chia sẻ với doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng rất tâm tư khi hàng năm có khoảng 12 triệu bộ hồ sơ xuất, nhập khẩu, trong khi qua kiểm tra chỉ phát hiện 0,06% sai phạm nhưng mọi thủ tục hành chính doanh nghiệp vẫn phải làm, tiền phí, lệ phí vẫn phải nộp gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Không phủ nhận, với quyết tâm của Chính phủ, thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính đã được bãi bỏ, trong đó có những thủ tục hành chính thuộc khởi sự doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ này, tính đến nay, chúng ta đã cắt giảm 3.893 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Để không còn những chi phí không chính thức, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các bộ, ngành cần dũng cảm, mạnh dạn hơn nữa trong việc từ bỏ lợi ích của mình để tiếp tục rà soát, cắt bỏ thủ tục là rào cản đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, cần phải tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ khi các thủ tục được thực hiện trên môi trường mạng, giảm thiểu việc tiếp xúc với cán bộ, công chức thì doanh nghiệp mới tránh được khoản “chi phí gầm bàn”.

Có thể nói, việc ban hành Nghị định 01/2021 cắt bỏ nhiều thủ tục hành chính không cần thiết là niềm vui cho doanh nghiệp. Mong rằng, những quy định này sớm triển khai trên thực tế để doanh nghiệp không phải gánh những chi phí tuân thủ không đáng có. Nói như chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, “chi phí cơ hội” và “chi phí không chính thức” là chi phí quan trọng, tác động mạnh tới doanh nghiệp. Nếu thủ tục hành chính nặng nề thì doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội kinh doanh.