Nigiêria – thị trường mới đầy triển vọng của Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng

Bộ Công Thương cho biết: Cộng hoà Nigiêria là nước có nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi với 160 triệu người tiêu dùng và là thị trường lớn, đóng vai trò đầu mối vào khu vực Tây Phi cho hàng hóa Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nigiêria đã có bước phát triển tích cực: kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt trên 155 triệu USD, tăng trên 56% so với năm 2009, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 110 triệu USD và nhập khẩu 45 triệu USD.

Trong 10 tháng năm 2011, kim ngạch hai chiều đạt trên 121 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 51 triệu USD và nhập khẩu 70 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Nigêria các mặt hàng dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, hàng hải sản, sản phẩm hóa chất, gạo, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, bóng đèn tiết kiệm điện, mỹ phẩm, ắc qui… và nhập khẩu từ thị trường này hạt điều thô, bông các loại, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong số những hàng hoá xuất khẩu từ Việt nam sang Nigiêria, dệt may là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Đối với mặt hàng gạo, thị trường Nigiêria không quen dùng gạo tẻ thường nhưng những năm gần đây nhu cầu về lương thực tăng cao mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được đầy đủ nên nước này đã nhập gạo tẻ của Việt Nam. Vì vậy, Nigêria là thị trường tiêu thụ lớn với lượng nhập khẩu 1,5 – 1,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thị phần của gạo Việt Nam tại Nigêria còn rất nhỏ. Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo sang thị trường Nigêria là vấn một vấn đề mà Bộ Công Thương đang ưu tiên.

Việt Nam có thể nhập khẩu một số mặt hàng mà Nigiêria có thế mạnh và trong nước có nhu cầu trên cơ sở giá cả và chất lượng hợp lý như nhựa nguyên liệu, phân bón. Đặc biệt, hiện nay ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam tương đối phát triển. Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ chế biến hạt điều xuất khẩu cũng là vấn đề cần thiết khi trong nước chưa đáp ứng đủ. Nigiêria cũng rất quan tâm đến dây chuyền chế biến hạt điều của Việt Nam và đánh gía cao trình độ của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, điện tử.


Vẫn còn là thị trường mới


Theo Ngài Tunde Ajsomo, Trưởng phái đoàn Ngoại giao, Đại sứ quán Nigiêria tại Việt Nam, để tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động buôn bán giữa hai nước, Chínhh phủ hai nước đã ký Hiệp định thương mại năm 2011. Về hợp tác, Nigiêria quan tâm hợp tác nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp và trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực điện tử, bưu chính viễn thông, tân dược. Việc Nam có thể hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng và trao đổi phát triển nông nghiệp, xuất khẩu.

Trong mấy năm gần đây, giá dầu mỏ trên thế giới tăng giúp nước này gia tăng nguồn ngoại tệ, phát triển kinh tế khiến đời sống người dân ngày càng tăng, ngân sách dành cho nhập khẩu cũng vì thế tăng nên Nigiêria vẫn là thị trường rất mới đối với hàng hoá Việt Nam. Hàng trăm lượt thương nhân Nigêria vào Việt Nam tìm đối tác cung cấp hàng hóa, một số công ty Nigêria đã đặt văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh. Hàng hóa Việt Nam được thị trường Nigêria đánh giá chất lượng ổn định và giá cả phù hợp nên nhiều doanh nghiệp Nigêria đang coi Việt Nam là nguồn cung hàng hóa thay thế Trung Quốc.

Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đang thăm dò khả năng đầu tư tại thị trường này. Mới đây, ngày 5/7/2011, Công ty cổ phần FPT đã ký biên bản hợp tác với Công ty 21st Century Technologies của Nigêria. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của FPT là viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị tin học.

Tại hội thảo này, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng đã kiến nghị Chính phủ hai nước cần tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên; tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, cấp bộ, ngành và doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất điện, điện tử, tin học, sản xuất hàng tiêu dùng…

Ngài Samuel Ioraer Ortom, Quốc vụ khanh đặc trách thương mại và đầu tư Cộng hoà Nigiêria, cho biết: để tạo thuận lợi và cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư tại Nigêria trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là theo phương thức chìa khóa trao tay, đầu tư trong lĩnh vực an ninh lương thực, chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, xây dựng, bất động sản, giáo dục, du lịch, y tế, dầu khí và các dịch vụ liên quan, công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản… Chính phủ Nigeria đã tiến hành các cuộc cải cách kinh tế nhằm đạt mức tăng trưởng cao, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước xóa bỏ tình trạng quan liêu và quản lý thuế một cách thận trọng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.


Đỗ Thảo Nguyên
Nguồn: Báo Điện tử Tin tức