Nên tham vấn nhân dân trong việc rà soát các dự án đầu tư công kém hiệu quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Kiềm chế lạm phát hiện đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Theo Bà, để đạt được mục tiêu này, các giải pháp của Chính phủ, trong đó có rà soát các dự án đầu tư công kém hiệu quả cần thực hiện như thế nào?

 BÀ PHẠM CHI LAN: Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh là cần nhanh chóng thực hiện kiểm soát chi tiêu công, rà soát và kiên quyết dẹp bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả. Tôi cho rằng, vấn đề khó nhất cần chú ý là phải có sự phối hợp tốt giữa các Bộ, ngành. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải quyết liệt trong việc buộc các ngành phải thực hiện theo những nội dung đã được đề ra. Và trong việc xem xét lại các dự án đầu tư công, theo tôi, Chính phủ nên tham vấn nhân dân, bởi chính nhân dân có thể phát hiện ra những dự án hiện nay đang ách tắc, gây lãng phí như thế nào, cái gì đáng làm và cái gì không đáng làm. 

PV: Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập đến việc toàn dân nên triệt để thực hiện tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu. Vậy theo Bà cần phải làm gì để người dân hợp sức trong vấn đề này?

BÀ PHẠM CHI LAN: Chính phủ đã kêu gọi mọi người, mọi nhà triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là về nhiên liệu, năng lượng. Điều này nên làm. Việt Nam nói riêng và nhiều nước đang phát triển nói chung có đặc điểm bình quân mức tiêu hao năng lượng trên một đầu ra sản phẩm thường rất cao. Tôi muốn nhấn mạnh đến bài học của Nhật Bản trước đây. Khi giá dầu tăng cao trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản lập tức áp dụng các biện pháp tiết kiệm và giảm ngay được 50% mức tiêu thụ năng lượng trên các đơn vị sản phẩm. Rõ ràng, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong lúc này là rất cần thiết chứ không chỉ riêng thắt chặt chi tiêu. Đây cũng nên là biện pháp cần được khuyến khích thực hiện lâu dài, chứ không phải là nhất thời, không phải chỉ cần làm trong thời điểm lạm phát cao. 

PV: Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tốc độ tăng trưởng (GDP) của Việt Nam năm 2008 có thể là 8% và trong trường hợp thấp nhất, tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 7,5%, Bà đánh giá thế nào về dự báo này?

BÀ PHẠM CHI LAN: Chính phủ hiện đang đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu. Điều này cũng có nghĩa là không chạy theo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ cuối năm 2007. Việc chấp nhận tăng trưởng thấp để bình ổn thị trường là định hướng đúng đắn. Vì thế, việc đưa ra chỉ số tăng trưởng cao có lẽ là hơi lạc quan. Trên thực tế, phải nhìn một cách tỉnh táo hơn, đó là ngay cả khi tốc độ tăng trưởng có thấp hơn nữa thì vẫn là tốt, nếu như lạm phát thấp và kinh tế tăng trưởng bền vững.

PV: Xin cám ơn Bà!

Báo điện tử Người đại biểu Nhân Dân