Nâng cao chất lượng lập pháp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Nâng cao chất lượng các dự luật được trình Quốc hội để bảo đảm luật ban hành đi ngay vào cuộc sống là một trong những kỳ vọng được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội gửi gắm và kỳ vọng ở Quốc hội Khóa XV. Muốn vậy, phải phát huy mạnh mẽ vai trò, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm của cá nhân đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến và quyết định thông qua dự luật. Cùng với đó, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải làm thật tốt vai trò “gác cổng” cho Quốc hội trong quá trình thẩm tra các dự luật.
<img alt="Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV ngày 30.3.2021 Ảnh: Lâm Hiển" src="” width=”850px” />
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV ngày 30.3.2021
Ảnh: Lâm Hiển

Sử dụng quyền không biểu quyết khi cần thiết

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tình trạng một số dự án luật khi được trình sang các cơ quan của Quốc hội và cả khi đã được trình Quốc hội vẫn cài cắm lợi ích cục bộ của cơ quan chủ trì soạn thảo, thậm chí là lợi ích của một nhóm thiểu số xâm hại lợi ích chung của đa số. Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phải phòng, chống tham nhũng, giữ gìn sự liêm chính ngay trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc các cơ quan soạn thảo, cơ quan quản lý nhà nước cố tình cài cắm các quy định có lợi cho bộ, ngành mình trong quá trình soạn thảo dự luật được giao là khó tránh khỏi. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội là phải phát hiện ra sự cài cắm lợi ích nhóm trong các dự án luật. Và nếu phát hiện đó là chính xác, thì Quốc hội hoàn toàn có quyền phủ quyết, không thông qua chính sách đó. “Chính phủ có quyền đề xuất, còn chấp thuận hay không là quyền của Quốc hội. Trong quá trình xây dựng dự án luật, nếu Chính phủ không tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, không căn cứ vào báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, không thảo luận lại với cơ quan của Quốc hội, đối thoại với Quốc hội để tìm ra tiếng nói chung, thì các đại biểu Quốc hội phải phát huy quyền tối thượng là không biểu quyết”, ông Lê Minh Thông nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, quyền không biểu quyết chỉ được phát huy khi đại biểu Quốc hội chứng minh được dự luật đó cài cắm lợi ích bộ, ngành, lợi ích nhóm, xâm phạm lợi ích chung, lợi ích của đa số. Muốn vậy phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của cá nhân đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét dự thảo luật và các vấn đề liên quan đến dự luật. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV với số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên khá nhiều, năng lực, trình độ của đại biểu cũng được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, các chuyên gia cho rằng, đây là yếu tố rất thuận lợi để nâng cao chất lượng các dự luật khi đã được trình sang Quốc hội. Theo ông Lê Minh Thông, các đại biểu Quốc hội Khóa XV cần dành nhiều thời gian hơn nữa để xem xét báo cáo đánh giá tác động của các dự án luật. “Lâu nay báo cáo đánh giá tác động của dự án luật ít được chú ý. Mỗi đại biểu phải đánh giá xem báo cáo đánh giá tác động có đúng hay không, dựa vào đâu để đưa ra dự báo đánh giá tác động đó. Xem xét dự thảo luật không phải chỉ tập trung vào điều, khoản cụ thể mà phải hình dung ra dự luật đó khi đi vào cuộc sống sẽ mang lại lợi ích gì cho Nhân dân, cho sự phát triển của đất nước. Dự báo trong báo cáo đánh giá tác động có sát với hiện thực không, hay mới chỉ dựa trên cảm quan của cơ quan hoặc người làm báo cáo”.

Không thẩm tra xuôi chiều

Cùng với việc phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội, việc nâng cao chất lượng xây dựng luật đặt ra yêu cầu rất lớn đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Là “công xưởng” làm việc của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng phải nâng cao hơn nữa năng lực thẩm tra. Báo cáo thẩm tra không thể và không được xuôi chiều. Một báo cáo thẩm tra chất lượng phải nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về các nội dung của dự thảo luật với những phân tích, lý lẽ, cơ sở khoa học, thực tiễn chặt chẽ và thuyết phục. Báo cáo thẩm tra phải là căn cứ, nền tảng quan trọng để Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, giải trình trước Quốc hội.

Nói như vậy không có nghĩa là giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình dự án luật và cơ quan được giao chủ trì thẩm tra, giúp Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật có mâu thuẫn gì về lợi ích. Lưu ý vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội Khóa XIV chỉ rõ, trong thể chế chính trị của chúng ta, Quốc hội và Chính phủ không có lợi ích riêng mà chỉ có chung một lợi ích duy nhất chính là lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Chính vì thế, việc xem xét, đánh giá, đồng ý hay không đồng ý với một dự luật hoặc một số điều khoản trong dự luật càng không có gì phải e ngại. Hơn ai hết, chính các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, xem xét các dự luật phải thẳng thắn, công khai, minh bạch vì sự phát triển chung.

Tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Mỗi đại biểu, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đem hết kinh nghiệm, năng lực, tâm huyết của mình đóng góp vào các hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động lập pháp. Bên cạnh đó, để có số liệu, luận cứ riêng, không phụ thuộc vào thông tin của cơ quan soạn thảo cung cấp, các đại biểu cần tăng cường tham gia các hoạt động khảo sát thực tiễn do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cũng cần tăng cường hơn nữa các tọa đàm chuyên gia về những nội dung được trình Quốc hội, từ đó có thêm cơ sở khoa học, khách quan cung cấp cho các đại biểu trong quá trình xem xét, thảo luận, cho ý kiến và quyết định đối với các dự luật.