Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp hiện có rất nhiều hình thức: đó là việc xây dựng các chương trình được đăng tải trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam như Chương trình Kinh doanh và pháp luật. Đây là chương trình rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi chương trình được phát sóng định kỳ, thường xuyên. Kiến thức pháp luật của các chủ sở hữu doanh nghiệp, của cán bộ pháp chế của doanh nghiệp vì thế được nâng cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp thì chương trình cần thực hiện sát với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, gắn với hoạt động pháp chế của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phải đan xen việc phổ biến kiến thức pháp luật kinh doanh với những vấn đề pháp lý mang tính thời sự, những vấn đề mà doanh nghiệp thường xuyên gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách mời tham gia chương trình phải là những người am hiểu vấn đề pháp lý, rất cần sự tham gia của các doanh nhân trong việc tư vấn cho doanh nghiệp để nâng cao tính thực tiễn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Với góc nhìn của một Luật sư, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề xuất nên nghiên cứu xây dựng một số chuyên đề về thực trạng của một số vụ việc do xung đột chính sách, pháp luật hoặc sự chậm trễ ban hành văn bản hoặc chồng chéo, lạc hậu của văn bản dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp hoàn thiện pháp luật kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất, để nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp cần phải có chiến lược bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp. Đây cũng chính là 2 nội dung trong hoạt động của Chương trình 585 đã đặt ra. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp là chương trình gồm nhiều nội dung là các kiến thức pháp luật kinh doanh cơ bản cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan về hệ thống pháp luật kinh doanh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung. 

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường Đại học Luật Hà Nội Vũ Thị Lan Anh để chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực dành cho doanh nghiệp thì cần phải có một số giải pháp. Theo đó, nên sớm triển khai xây dựng các chương trình bồi dưỡng pháp luật cơ bản dành cho mọi doanh nghiệp. Vì thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp cần có các chương trình bồi dưỡng về quyền và nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp, pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải có chương trình chuyên sâu hướng tới các nhóm doanh nghiệp cụ thể như: nhóm công ty xây dựng, nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước, xây dựng các chuyên đề sâu về đấu thầu và quản lý vốn nhà nước… Đây chính là những vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm, đồng thời nâng cao ý thức quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp. 
 
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, trình độ của cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp chưa thực sự bảo đảm yêu cầu. Vì vậy, việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công việc này tại các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Để việc bồi dưỡng hiệu quả, cần phải có được đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Lan Anh cũng chỉ ra một thực tế rằng, hiện nay giảng viên các chương trình đào tạo kỹ năng còn nhiều hạn chế, có cán bộ làm thực tiễn giỏi, kỹ năng thành thạo lại không có kỹ năng giảng dạy, ngược lại, có cán bộ giảng dạy thì lại ít có kỹ năng thực tiễn. Bà Lan Anh cũng đề xuất, nên bố trí 2 cán bộ (1 giảng viên có kỹ năng giảng dạy và 1 cán bộ làm thực tiễn giỏi) cùng giảng dạy sẽ giúp chương trình đào tạo kỹ năng sinh động và đạt hiệu quả cao hơn. Phương án này đang được đánh giá là hiệu quả đối với các doanh nghiệp tuy nhiên vấn đề chi phí chi trả cho giảng viên cũng đang là vấn đề khó khăn, bà Lan Anh chia sẻ.
 
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, thì việc hiểu biết sâu về pháp luật kinh doanh là điều rất quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Trong khi đó, pháp luật của chúng ta đang có một khối lượng đồ sộ, việc hiểu hết văn bản pháp luật kinh doanh cũng không phải là vấn đề đơn giản. Do vậy, để giúp doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ hơn về pháp luật kinh doanh, có ý kiến đề xuất, cần phải biên soạn các cẩm nang pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp theo các nhóm vấn đề: pháp luật doanh nghiệp; cẩm nang về pháp luật hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh. Ngoài ra, có thể có cẩm nang về sở hữu trí tuệ, quyền và nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp, pháp luật phá sản…

Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân