Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn yếu. Khoảng cách giữa chủ trương chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường còn nhiều vướng mắc, chưa được khơi thông. Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa được thuận lợi, năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế.”- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói.

Nghiên cứu ban hành Chương trình khởi nghiệp quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, hoàn thiện và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động kinh doanh không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, trọng yếu là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch và do vậy, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trưởng ban Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương trong Đề án “Chủ trương, chính sách đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế”, Trưởng ban Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá làm rõ hơn một số nhóm vấn đề và các đề xuất, kiến nghị về các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn liền với đổi mới, phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, xem xét khả năng ban hành, tổ chức thực hiện Đề án tổng thể về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chương trình khởi nghiệp quốc gia.

Cần ban hành Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 – 2020

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng báo cáo “Chủ trương, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia” với sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần thiết phải xây dựng, ban hành và thực hiện thực chất Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, tập trung cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thực thi hệ thống pháp luật. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tăng cường năng động, đổi mới và sáng tạo.

Đánh giá cao nội dung báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, việc quan trọng là cần xây dựng và vận hành tốt hệ thống Đổi mới sáng tạo trong cả nước và trên từng vùng, từng địa bàn. Hệ thống này bao gồm một chuỗi liên kết giữa sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học, Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ quan, tổ chức cấp kinh phí như ngân hàng, tín dụng, Quỹ đầu tư…, các cơ quan, tổ chức quản lý và dịch vụ kinh tế, các hiệp hội ngành hàng và cả những đối tác hợp tác nước ngoài.

“Trong chuỗi này, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò trung tâm, doanh nhân là lực lượng xung kích. Tất cả hoạt động trong chuỗi này là để tạo ra kết quả nghiên cứu KHCN hoặc thu hút công nghệ từ bên ngoài và các sản phẩm vật chất/dịch vụ có hàm lượng KHCN, giá trị gia tăng cao và giá trị sáng tạo mới đáp ứng yêu cầu tiêu thụ và cạnh tranh trên thị trường. Đạt được yêu cầu này sẽ là sự thành công cơ bản của của quá trình phát triển theo hướng hiện đại hóa của quốc gia và trên từng vùng”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhận định.

Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận các giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp gắn với thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam, tăng cường khởi sự doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, công khai, minh bạch, tích cực phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế. Tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong kiến tạo, định hướng phát triển hoạt động đầu tư – kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề kinh tế vỹ mô như tính bền vững môi trường kinh tế vĩ mô, thực trạng về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Nhóm các vấn đề tiếp cận nguồn lực và thị trường cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, trong đó trao đổi các giải pháp tăng cường tạo thuận lợi tiếp cận và phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, tập trung vào phát triển thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết, hợp tác và kết nối thị trường giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế.

Tin và ảnh: T. Cường
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân