Nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường rau quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng rau cả nước hiện đạt khoảng hơn 823.000ha; diện tích trồng cây ăn quả khoảng hơn 832.000ha. Các vùng có diện tích trồng rau lớn trên cả nước là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Bắc Trung bộ. Những tỉnh như Lâm Đồng, Hải Dương, Thái Bình, Trà Vinh… có năng suất đạt trên 200 tạ rau/ha. Việt Nam xuất khẩu rau quả sang gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 33,5% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp đôi tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (16,1%). Quy mô và tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt 1 tỷ USD, đỉnh điểm từ trước tới nay, lần đầu tiên gia nhập câu lạc bộ các mặt hàng có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Tuy đạt được những kết quả tích cực như trên, nhưng xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng còn những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ. Trước hết là kim ngạch xuất khẩu rau quả còn ở dưới tiềm năng và thế mạnh về đất đai, khí hậu, chủng loại rau quả của Việt Nam, với nhiều loại đặc sản nổi tiếng như chuối ngự, nhãn lồng, vải thiều, xoài, nhiều loại bưởi, cam, thanh long…

Vì vậy, muốn đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 thì các doanh nghiệp phải rất nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Và vấn đề quan trọng hiện nay là làm cho nông dân có ý thức trong sản xuất, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường. Việc sản xuất rau, quả chủ yếu do nông dân thực hiện mang tính cá thể, phát triển tự phát nên gây khó khăn trong quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Ngành công nghiệp trái cây dù có nhiều nỗ lực nhưng sau thu hoạch tỷ lệ chế biến còn thấp, kỹ thuật bảo quản và chế biến thô sơ, thất thoát trong vận chuyển cao (chiếm từ 25 – 30%). Giữa người sản xuất và doanh nghiệp cũng chưa tạo được mối liên kết nên lượng tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng còn rất ít, chủ yếu do người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, thị trường đối với cây dài ngày như cà phê, ca cao có tính định hướng lâu dài, nhưng đối với rau thì rất nhạy cảm. Vấn đề giá cả là rất quan trọng, cần tới tầm quốc gia, thậm chí là quốc tế. Những thông tin nào kết nối với thị trường thì cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước để có hướng chỉ đạo sản xuất. Công tác dự báo thị trường là rất cần thiết, kể cả liên kết với các quốc gia, các tỉnh về quy hoạch sản xuất, nhu cầu tiêu thụ, diện tích quy mô của các vùng để có thông tin cho trung tâm dữ liệu phân tích thị trường phục vụ cho sản xuất.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cũng là những bước đi hướng tới phát triển bền vững. Mới đây, Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập Diễn đàn về hợp tác phát triển rau, hoa, quả giữa hai nước. Việt Nam đề xuất một số lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và phát triển với Hà Lan như: nghiên cứu chọn tạo các giống rau mới trồng trong điều kiện nhà kính/nhà lưới. Hà Lan hỗ trợ Việt Nam các công nghệ trong lĩnh vực bảo quản và chế biến; nguồn giống chọn, tạo; đào tạo nguồn nhân lực cũng như chia sẻ thông tin thị trường trong khu vực và quốc tế… Về phía Hà Lan sẽ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đặc biệt là các kỹ thuật mới trong chọn tạo giống, xử lý hạt giống; công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ Việt Nam tổ chức và quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đối với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian qua nhằm nâng cao vị thế của ngành rau quả Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển sản xuất cây ăn quả, thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước đối với một số loại cây ăn quả như: thanh long, xoài, bưởi, nhãn… Bộ cũng khuyến khích các địa phương hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa thông suốt; thúc đẩy các hình thức liên kết nông hộ để hình thành các tổ chức sản xuất – tiêu thụ, các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyên ngành.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân