Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều quy định chồng chéo

Là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong những năm qua, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, trong đó có việc thực hiện đầy đủ các cam kết về sở hữu trí tuệ. Theo đó, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta được xây dựng theo hướng tiệm cận dần đến các nguyên tắc và quy định của những tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia. Luật SHTT 2005 được thực thi và Luật SHTT (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2010 là những minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật về SHTT của nước ta, nhất là các văn bản dưới luật đang có sự “vênh”, dẫn đến việc thực thi trong thực tế gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý. Cụ thể hiện đang có sự chồng chéo về quy định xử phạt vi phạm hành chính giữa lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền SHTT. Đặc biệt là bất cập về thẩm quyền khi kết hợp giữa các văn bản pháp luật cạnh tranh và SHTT, bao gồm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 120 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định 47 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và các quyền liên quan, Nghị định số 97 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ… Theo đó, hiện nay, cùng một lúc có rất nhiều cơ quan khác nhau đều có thẩm quyền xử phạt hành chính về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm quyền SHTT hiện nay chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính và mức phạt cũng chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Luật SHTT (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, quy định về mức phạt tiền tối đa là 500 ngàn đồng có sự bất hợp lý nếu xét với các hành vi vi phạm vốn mang lại lợi nhuận cao như trong sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và phụ tùng… Ngoài ra, căn cứ để xác định mức phạt này vẫn còn chưa rõ ràng. Đây là trở ngại cho các cơ quan thực thi và gây băn khoăn đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thêm một vấn đề nữa là do các vụ việc liên quan đến SHTT thường phức tạp dẫn đến việc các cơ quan chức năng thiếu tích cực trong việc tiếp nhận và xử lý. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên thành lập các tòa án chuyên biệt về SHTT như một số nước đã và đang làm khá thành công như: Anh, Mỹ, Pháp, Malaysia, Singapore…

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Xây dựng và vận hành một hệ thống SHTT đầy đủ và có hiệu quả là mục tiêu quan trọng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng là cần nâng cao nhận thức của công chúng về quyền SHTT. Kinh nghiệm cho thấy, tại các quốc gia mà nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ càng cao thì tình trạng vi phạm quyền SHTT càng thấp và đó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế – xã hội.

Để làm được điều này thì cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật về SHTT. Thực tế trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức của công chúng, cộng đồng doanh nghiệp về SHTT đã được thực hiện thông qua một số dự án. Điển hình là Dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài Truyền hình Việt Nam – Chương trình “Chắp cánh thương hiệu” đã thu hút được số lượng lớn các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, đoàn thể và đông đảo tầng lớp trong xã hội tham gia. Được biết, từ kết quả của dự án, Bộ KH-CN đã và đang phối hợp với các tỉnh, thành triển khai dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài Truyền hình địa phương.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2005-2010 được phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4.4.2005 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 68) cũng đã có tác dụng vô cùng to lớn; được coi là cầu nối nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT. Chương trình 68 gồm 3 nội dung là: tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ. Mới đây, Bộ KH-CN đã họp tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình.

Theo đánh giá chung, Chương trình 68 đã triển khai được hầu hết các nội dung được phê duyệt, đặc biệt là nội dung tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản của địa phương. Chương trình đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. Hiệu quả của nó không chỉ  làm giảm thiểu số vụ vi phạm về SHTT, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Tuy nhiên, SHTT – từ pháp luật đến thực thi là cả một quá trình dài, cho nên việc nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT không phải là một sớm một chiều. Được biết, trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình 68 sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; nhân rộng các dự án đạt hiệu quả cao ở giai đoạn 2005-2010; tập trung triển khai các nội dung chưa triển khai được như mong muốn, đặc biệt là một số nội dung mới như hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ SHTT.

        Theo Cục SHTT, Bộ KH-CN, năm 2010 trên phạm vi cả nước có 1.632 vụ bị xử lý về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng. Mặc dù số vụ vi phạm về quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm năm nay ít hơn năm 2009 nhưng số tiền phạt lại tăng gấp đôi. Số vụ xâm phạm về quyền với kiểu dáng công nghiệp bị xử lý trong năm 2010 cũng tăng so với năm ngoái (215 vụ), song tổng số tiền phạt giảm xuống  (800 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với năm 2009.

Trần Châu Giang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân