Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng chính sách thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp rất cần hỗ trợ từ chính sách thuế  
Bằng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do với EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…  nên hàng hóa của Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn đến với thị trường các nước. Tuy nhiên, trong sân chơi hội nhập, hàng hóa của các nước cũng tìm đến thị trường Việt Nam. Theo đó, sức ép cạnh tranh hàng hóa ngoại đang diễn ra ngay trên sân nhà. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sân chơi hội nhập. Cụ thể là giúp doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng thị phần trong và ngoài nước, từ đó nâng cao lợi nhận thì ngoài các chính sách hỗ trợ khác, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ chính sách thuế.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay do phải gánh các chi phí bất hợp lý như chi phí để làm thủ tục tạo lập doanh nghiệp, chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục về thuế… nên đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 
Trước thực tế trên PGS, TS Lê Thị Thu Thủy, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng tiến hành thủ tục hành chính thuế qua hệ thống mạng điện tử, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các mẫu tờ khai thuế, minh bạch hóa tình trạng hồ sơ thuế để người nộp thuế biết. Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức ngành thuế có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế.  
Theo PGS, TS Lê Thị Thu Thủy, để giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế cần có sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật thuế với các quy định pháp luật về kế toán. Bởi sự đồng bộ này sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể sử dụng ngay các biểu mẫu, hồ sơ kế toán của doanh nghiệp để kê khai và làm thủ tục thuế. Cơ quan thuế và cán bộ, công chức thuế cần phải bảo đảm việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế được thuận lợi, hiệu quả, bảo đảm tốn ít thời gian và chi phí. Trong quá trình thực hiện thủ tục thuế, các sự cố về phần mềm đăng ký hồ sơ thuế dẫn đến doanh nghiệp không thể kê khai được thuế, cần phải coi là lỗi của cơ quan thuế, cơ quan thuế phải khắc phục sự cố này bằng chi phí của mình và phải bồi thường cho doanh nghiệp nếu như có thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đối với yêu cầu về phát triển một nền kinh tế xanh, với những sản phẩm sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng sinh thái thì cần phải có chính sách thuế phù hợp để định hướng người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Các sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường có thể được coi là những công cụ hữu hiệu để nhà nước thực hiện mục tiêu này. Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường phải chịu mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp cao hơn so với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thân thiện với môi trường.  
Bên cạnh đó, cần phải có chính sách thuế để thu hút người lao động có tay nghề cao hoặc có năng lực quản lý đến Việt Nam làm việc, đóng góp vào sự phát triển cho đất nước. Đồng thời, nhà nước cũng có chính sách thuế hợp lý để khuyến khích các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều sáng chế, phát minh và những sản phẩm trí tuệ khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo bà Thủy, các ưu đãi thuế đối với người lao động có trình độ cao chủ yếu là điều chỉnh các mức thuế suất đối với các thu nhập có được từ giao dịch chuyển giao các phát minh, sáng chế, bí quyết kỹ thuật và các tài sản trí tuệ khác của người lao động có trình độ cao. Nhà nước nên giảm mức thuế suất áp dụng đối với các thu nhập từ các giao dịch này nhằm khuyến khích các chuyên gia tích cực phát minh, sáng chế, đồng thời nhằm phát triển kênh chuyển giao công nghệ trực tiếp từ chuyên gia cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc hưởng chính sách ưu đãi thuế cần dựa vào năng lực thực sự của người lao động chứ không phải dựa vào bằng cấp của họ. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cũng cần có quy định, nếu người lao động trong thời gian làm việc tại Việt Nam, không có đóng góp đáng kể nào vào việc nâng cao năng suất lao động, năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ bị truy thu thuế đối với khoản thuế đã được miễn. Có như vậy, chính sách thuế vừa thể hiện thái độ tôn trọng người tài của nhà nước nhưng cũng thể hiện sự nghiêm khắc của nhà nước đối với những người không có tài năng thực sự nhưng lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của nhà nước để hưởng lợi không chính đáng.
Ngoài việc phải tự đổi mới từ nội tại, doanh nghiệp rất cần sự thúc đẩy từ các chính sách thuế. Có như vậy, doanh nghiệp mới có cơ hội để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay. 
Trước việc năm 2015, Công ty Berli Jucker Public Company Limited (Thái Lan) đã mua lại Metro và gần đây là tháng 4.2016, Central Group (Thái Lan) đã thâu tóm thành công BigC…. Theo các chuyên gia kinh tế, sự kiện này không chỉ gây lo ngại hàng Thái sẽ lấn át hàng Việt nữa mà có thể sẽ trở thành hiện hữu nếu như doanh nghiệp Việt Nam không chủ động làm mới mình bởi các năng lực thực sự.
Hà AnNguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=373059