Nâng cao vai trò hợp tác xã trong phát triển thương mại nội địa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực kinh tế tập thể năm 2010 đạt gần 17 nghìn tỷ đồng, tăng gần 37% so với năm 2009 (mức tăng của cả nước là 24,5%); năm 2011 đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2010 (mức tăng của cả nước là 24,2%). Ở địa bàn thành thị, một số HTX thương mại, liên hiệp HTX thương mại tiếp tục phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi với phương thức bán hàng văn minh, bước đầu vận hành theo mô hình chuỗi cùng với việc tổ chức tốt một số dịch vụ sau bán hàng nên đã thu hút được khách hàng với số lượng ngày càng đông và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Điển hình là Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh – Saigon Co.op với chuỗi 59 siêu thị Co.op Mart tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác đã trở thành một thương hiệu Việt của kinh tế tập thể ngành thương mại, thu hút nhiều lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm mỗi ngày, nhiều năm liền được Tạp chí bán lẻ châu Á – Thái Bình dương bình chọn là nhà bán lẻ hàng đầu khu vực. Theo Phó TGĐ Saigon Co.op Bùi Hạnh Thu, để có được những kết quả trên, Saigon Co.op đã có cơ chế phối hợp với các tổ chức, ban ngành, các thành phần kinh tế vận dụng nhiều hình thức để quy tụ được sức mạnh. Trong lĩnh vực bán lẻ, phối hợp với các HTX nông nghiệp, HTX vận tải, làm dịch vụ logsitics, vận chuyển hàng hóa về các điểm bán…

Ở địa bàn nông thôn, HTX hoạt động đa chức năng, trong đó có hoạt động thương mại – dịch vụ đang là mô hình chủ yếu. Tuy gặp khó khăn hơn so với địa bàn thành thị, nhưng nhiều HTX đã tham gia tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nhân dân tại địa bàn, cung ứng nguồn hàng cho hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Một số HTX đã bám sát được nhu cầu của người sản xuất và tiêu dùng, tăng cường hoạt động đại lý và dịch vụ; là đầu mối liên kết với một số doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn, từng bước nâng cao được chất lượng và hiệu quả hoạt động. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao vai trò của HTX thương mại, dịch vụ trong phát triển thương mại nội địa. Doanh nghiệp có đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhưng không thể tới tận hộ nông dân để thu mua nông sản cũng như cung ứng vật tư nông nghiệp. Không đơn vị nào có hệ thống chân rết nhiều như HTX thương mại dịch vụ. Hệ thống phân phối muốn đẩy mạnh thương mại nội địa thì vai trò của HTX thương mại dịch vụ rất quan trọng.

Tuy nhiên, do còn hạn chế về nguồn lực, thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu… tuy có tăng trưởng nhưng tỷ trọng của HTX thương mại dịch vụ trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ còn thấp. Nhiều HTX không đủ khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Không ít hợp tác xã chưa xác định rõ phương án, kế hoạch kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của HTX thương mại dịch vụ trong phát triển thương mại nội địa, rất cần có sự quan tâm từ các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, sự liên kết với doanh nghiệp, các thành phần kinh tế…

Ngoài các HTX thương mại, mô hình HTX quản lý kinh doanh chợ đang có xu hướng phát triển cả ở địa bàn thành thị và nông thôn. Đến cuối năm 2011, cả nước có 165 HTX quản lý và kinh doanh 175 chợ, tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội và đang được triển khai ở nhiều địa phương khác. Việc giao các chợ cho doanh nghiệp, HTX đầu tư khai thác theo phương thức tự hạch toán kinh doanh đã đảm bảo cân đối thu chi, chủ động mọi hoạt động nên có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình Ban quản lý chợ, nhất là giảm được chi phí cho ngân sách và biên chế cán bộ quản lý chợ.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân