Nới quy định nhập khẩu máy móc cũ: Đúng nhưng chưa đủ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ủng hộ Thông tư 23 

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN (Thông tư 23) quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Đây cũng là văn bản thay thế Thông tư 20 được ban hành vào tháng 7/2014.

Theo Vụ Thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) điểm mới nhất của quy định lần này là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm (So với Thông tư 20, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ đã được nới hơn khi nâng tuổi thiết bị được phép nhập khẩu thêm 5 năm), và phù hợp quy chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường.

Trước đó, Thông tư 20 quy định máy móc thiết bị đã qua sử dụng không thuộc danh mục máy móc cấm phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm, có chất lượng còn lại với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên mới được nhập khẩu. Quy định này khiến cộng đồng DN phản ứng mạnh mẽ, dẫn đến Thông tư 20 phải dừng thực hiện. 

Dự kiến, Thông tư 23 có hiệu lực ngày 1/7/2016. Nghĩa là, trong thời gian này, các DN có quyền đóng góp ý kiến để Bộ Khoa học và Công nghệ có cơ sở tiếp thu sửa đổi, bổ sung Thông tư 23 cho phù hợp.

Khác với Thông tư 20, lần này, việc ban hành Thông tư 23 đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía DN. Là DN sản xuất máy phát điện, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai đã nghiên cứu khá kỹ Thông tư này.

Theo ông Trọng, Thông tư 23 đã cân bằng được lợi ích của các bên liên quan. “Xu hướng trên thế giới là sử dụng máy móc mới, công nghệ mới. Giả sử, nếu Nhà nước cho nhập khẩu máy móc đã sử dụng trên 10 năm, các DN sản xuất trong nước có thể nhập khẩu máy móc từ những năm 70 của thế kỷ trước, sẽ làm mất động lực sáng tạo của DN Việt Nam”, ông Trọng nói và dẫn chứng từ thực tế hoạt động của DN mình: giả sử máy biến thế điện sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn được nhập về Việt Nam, trong khi Sáng Ban Mai sản xuất theo công nghệ mới sẽ rất khó cạnh tranh về giá thành, do máy móc cũ có giá thành rất rẻ chỉ bằng một nửa, hoặc 1/3 máy móc mới- vì máy móc cũ, một số nước đã bỏ, cấm sử dụng, nên khi về Việt Nam tiêu thụ có giá rẻ như cho.

“Nếu điều này tiếp tục tiếp diễn sẽ biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghiệp”, ông Trọng nhấn mạnh.

Thực tế trên cho thấy, việc ban hành Thông tư 23 là cần thiết. Hơn thế, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều khả năng máy móc đã qua sử dụng sẽ được nhập khẩu ngày một tăng, thì rõ ràng Thông tư 23 đáng ra phải sớm đưa vào vận hành, xem đó gần như một “hàng rào kỹ thuật”.

Lo ngại giám định

Vấn đề được nhiều DN quan tâm lúc này là vấn đề giám định máy móc đã qua sử dụng như thế nào, để vừa đảm bảo độ chính xác, mà lại nhanh chóng, không để xảy ra tình trạng “ngâm” máy móc nhập khẩu của DN ở ngoài cảng.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH SX-DV-TM cơ khí Kim Chung (Bình Dương) cho hay, đối với DN chuyên về ngành đúc như Công ty Kim Chung, việc giám định thiết bị cho ngành đúc không đơn giản vì trên thế giới đang tồn tại rất nhiều công nghệ khác nhau, từ thủ công đến tự động hóa hoàn toàn. “Phải có chuyên môn rất sâu và điều kiện thử nghiệm tốt về từng ngành, mới cho được kết quả giám định chính xác”, bà Châu nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thành Trọng cho rằng, theo quy định, các tổ chức giám định còn ít. Trước đó, Thông tư 20 quy định trong danh sách các tổ chức giám định, bao gồm Quatset1, 2, 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng; Vinacontrol Hà Nội, kể cả các tổ chức quốc tế như SGS Việt Nam, Bureau Veritas Vietnam.

Một số ý kiến cho rằng, các tổ chức này chủ yếu có thế mạnh giám định vật tư, hàng hóa, chất lượng công trình xây dựng, nhưng khó có thể giám định chất lượng còn lại của máy móc thiết bị đã qua sử dụng.

Vì vậy, Thông tư 23 trước khi có hiệu lực chính thức, cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu, bổ sung thêm các tổ chức giám định. Bởi lẽ, trong trường hợp các đơn vị giám định còn ít, có thể dẫn đến “lạm quyền”. Việc có nhiều tổ chức giám định sẽ giúp thủ tục giám định máy móc, thiết bị được nhanh, gọn, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho DN.

Ngoài ra, trước những lo ngại về việc nới điều kiện nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng từ 5 lên thành 10 năm sẽ khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ là đầu mối để ra một quy định chung.

Với mỗi danh mục hàng hóa trong từng lĩnh vực cụ thể, các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục ban hành văn bản khác hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo việc quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị sát sao hơn.

Đầu tháng 11/2015, gần 200 container hàng hóa với hàng nghìn đồ điện tử cũ như điều hòa nhiệt độ, máy giặt, nồi cơm điện, máy in và xe máy đã bị bắt giữ tại khu vực cảng ở TP. Hồ Chí Minh. Lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng số lượng hàng hóa vi phạm lên tới khoảng 5.000- 6.000 tấn và có trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Qua xác minh, lượng hàng hóa trên thuộc về 25 DN nhận hàng rải rác tại các tỉnh, thành. Trong đó, cơ quan hải quan trực tiếp xác minh thông tin 14 DN có số lượng container nhiều nhất và đang chờ phản hồi để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý các loại đồ điện tử “rác” này là không hề đơn giản.

Thanh Vũ
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/noi-quy-dinh-nhap-khau-may-moc-cu-dung-nhung-chua-du-42492.html