“Nóng“ việc “gỡ nút thắt“ trong lĩnh vực đất đai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy hoạch: đưa xã ra ngoài vì không đủ năng lực?

Quy hoạch sử dụng đất luôn được coi là “mắt xích” rất quan trọng. Theo dự thảo luật, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. ĐB Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ có ba cấp quy hoạch mà không có cấp xã, trong khi đó là cấp cơ sở, quản lý trực tiếp đất đai”. Đề nghị giữ quy hoạch cấp xã như Luật Đất đai hiện hành, ĐB Út nói thêm, “nếu quy hoạch chỉ có ở ba cấp sẽ dẫn đến nhiều quy hoạch treo, cản trở sự phát triển gây ra sử dụng đất đai không hợp lý”.

Tuy nhiên, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) lại đồng tình với dự luật nhưng ông đề nghị bổ sung quy định về việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân bao gồm cả người dân có đất và chủ đầu tư trong quá trình xây dựng quy hoạch cả ở 3 cấp để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quy hoạch ngay trong quá trình xây dựng.

Các đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ)… cũng phát biểu đồng ý với quy hoạch 3 cấp, với lý do là đa số cấp xã không đủ năng lực làm quy hoạch, công việc này thời gian qua mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Có chăng, chỉ nên quy định cấp xã tham gia trong vai trò giám sát.

Thu hồi không bồi hoàn: phải cân nhắc

Ví von việc thu hồi đất vừa qua giống như “một hình thức kỷ luật đối với người sử dụng đất trong khi họ không vi phạm”, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng để đảm bảo quyền bình đẳng của người bị thu hồi đất và người có quyền về giao đất, nên áp dụng cơ chế thu hồi bằng cơ chế trưng mua và trưng dụng. “Đối với dự án về kinh tế quy mô nhỏ và vừa thì nên áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Đối với đất nông nghiệp, khi nhà nước trưng mua, trưng dụng để xây dựng các công trình công cộng thì nên bồi thường thỏa đáng tránh thiệt thòi cho người dân.”

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận xét, dự thảo luật không khác nhiều so với luật hiện hành về cơ chế thu hồi đất, tuy nhiên, đối với trường hợp thu hồi để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế – xã hội, theo ĐB Nam, nên áp dụng cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất với thẩm quyền của nhà nước như Hiến pháp đã quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế.

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) không tán thành quy định về thu hồi đất và không trả lại chi phí đã bỏ ra với đất. Theo ĐB này “nếu điều luật này được thông qua và có hiệu lực, hàng ngàn dự án trên cả nước đã bị buộc phải thu hồi đất và không được bồi hoàn gì”.  ĐB Tín đề nghị Ban soạn thảo luật đưa ra một giải pháp hợp lý hơn.

Tán thành, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) ủng hộ phải thu hồi đất đối với trường hợp đã được giao, cho thuê mà chậm hoặc không triển khai và người bị thu hồi đất không được trả lại tiền sử dụng đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại giá trị tài sản gắn liền với đất là “thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật,” nhưng ĐB này đề nghị “cần cân nhắc vì có trường hợp người sử dụng đất chậm đưa vào sử dụng là có lý do khách quan bất khả kháng”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và nhiều ĐB khác đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của người dân nơi bị thu hồi đất và không bằng lòng với quy định của dự thảo luật. ĐB đề nghị phải giải quyết cho được vấn đề này để đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa.

Quy định sát “giá thị trường” là mơ hồ

Trên nguyên tắc giá đất phải hài hòa các lợi ích 3 bên: nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nên nhiều ĐBQH đồng tình với phương án 1 về xác định giá đất được nhiều ý kiến ủng hộ. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành khung giá, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất cụ thể trên địa bàn, có hiệu lực 5 năm; khi giá trên thị trường biến động từ 20% trở lên, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét điều chỉnh bảng giá…

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng để ổn định về giá đất, hạn chế khiếu kiện của người dân nên chọn phương án Chính phủ quy định khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích, không công bố bảng giá đất hàng năm nhưng điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có sự biến động lớn.

Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến hơn 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai là vấn đề bất cập về giá đất, nhất là từ “sự mơ hồ của phạm trù sát giá thị trường”, ĐB Lê Trọng Sang (TP.Hồ Chí Minh) vẫn tỏ ra chưa đồng tình với quy định của Dự thảo luật sửa đổi: “Không nên dùng các khái niệm như “hỗ trợ” (mang tính ban ơn) hay “xem xét” (không chắc chắn)”.

Ngoài ra, theo ĐB Sang, quy tắc, phương pháp định giá đất cần được rà soát quy định lại, vì thực tế bảng giá đất của các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Tại TPHCM và Hà Nội giá đã kịch khung Chính phủ, nhưng mức trần cũng chỉ 81 triệu đồng/m², trong khi thực tế giao dịch có nơi lên tới nhiều trăm triệu đồng.

ĐB Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cũng cho rằng nếu bảng giá đất xây dựng định kỳ 5 năm là quá dài, không phù hợp với sự biến động thường xuyên của giá thị trường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi, nhất là đối với những dự án bị kéo dài qua nhiều năm. “Luật cần quy định giá đền bù phải phù hợp so với khả năng sinh lợi từ hoạt động đầu tư, sản xuất trên đất tạo điều kiện để người dân ổn định để sống”, ĐB này đề nghị.

Tại phiên thảo luận về đất đai, các vấn đề khác như hạn mức giao đất, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, về thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, về vấn đề sở hữu đất đai…cũng được ĐB thảo luận sôi nổi. Sau kỳ họp này, dự Luật đất đai sẽ được chỉnh lý, xem xét tại kỳ họp QH tới.

Cần giữ quy định bắt buộc công chứng đối với một số hợp đồng, giao dịch

Khoản 2 Điều 151 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo nhu cầu của các bên.

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), ĐB Nông Thị Bích Liên (Hà Giang), ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng)…không tán thành quy định nói trên. Bởi lẽ, nếu bỏ việc bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, thế chấp vốn bằng quyền sử dụng đất thì rất nguy hiểm, trong thực tiễn hiện nay vẫn diễn ra nhiều giao dịch ngầm, chui như mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không qua công chứng, chứng thực sẽ phát sinh một loạt các tranh chấp, tạo gánh nặng cho cơ quan, chính quyền, tòa án, tiềm ẩn mất ổn định trong nhân dân. Các giao dịch này cần được công chứng để đảm bảo tính xác thực, an toàn về pháp lý.

Thực tế hiện nay, quy định công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà đất hiện đang được ghi nhận trong Luật Đất đai hiện hành. Tương tự, Luật Nhà ở hiện hành cũng quy định các trường hợp mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn, đổi nhà ở…cũng phải được công chứng. Các quy định này đã thể hiện tính phù hợp trong quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở hiện hành, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thu Hằng
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam