“Nước mắm arsen’ và văn hóa doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vấn đề văn hóa doanh nghiệp ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình, trước những câu chuyện như “nước mắm arsen”.

Bắt đầu từ năm 2016, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/11 hàng năm được tôn vinh là ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, cùng với ngày 13/10 – Ngày Doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thêm một ngày nữa để được tôn vinh, ghi nhận, với những nỗ lực không chỉ vì có lợi nhuận mà còn từng bước xây dựng, bồi đắp cho một khái niệm mới mẻ là văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Từ trước tới nay, chúng ta quen nói về văn hóa vùng miền, văn hóa làng xã hay văn hóa nông thôn, văn hóa thành thị, thậm chí là văn hóa ẩm thực … mà ít nói về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Điều này cũng là dễ hiểu, khi số doanh nghiệp Việt Nam từ 5 đến 10 tuổi chiếm đến trên 80% tổng số doanh nghiệp.

Từ cổ chí kim, các doanh nghiệp mạnh, có tuổi thọ cao từ hàng chục đến hàng trăm năm, dù lớn đến tầm cỡ đa quốc gia hay nhỏ như chỉ một tiệm vàng đều có những triết lý kinh doanh, triết lý doanh nghiệp. Cũng nhờ cái gốc văn hóa này nên dù có gặp bao khó khăn, thậm chí là khủng hoảng, thay đổi của thời cuộc… nhưng doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển không ngừng.

Thực tế cho thấy, việc bồi đắp văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết, trước những câu chuyện như “nước mắm arsen”. Thực tế cũng cho thấy, những chiêu trò không lành mạnh sớm muộn cũng sẽ bị “bóc mẽ” và những giá trị thực sự sẽ được trả lại.

Đặt trong bối cảnh chung của đất nước, doanh nhân Việt Nam gặp cả những điểm may mắn (hay thuận lợi) và những chưa may mắn (hay chưa thuận lợi).

Trước hết, doanh nhân Việt Nam được thừa hưởng những đức tính chung của người Việt như giàu tình cảm gắn bó với nguồn cội, làng xóm, quê hương; có lòng yêu nước và ý thức sâu sắc về độc lập chủ quyền dân tộc, y thức liên kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc bền chặt. Có tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó khăn, gian khổ và đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm. Lối sống trọng tình, nhân ái, hòa hiếu, bao dung. Lối ứng xử mềm dẻo, linh hoạt và khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo.

Tuy vậy, văn hóa của Người Việt cũng có nhiều đặc điểm không thích ứng cao với hội nhập, với toàn cầu hóa, với kinh doanh. Đó là tư duy “trăm cái lý không bằng tý cái tình” của văn hóa trọng tình; tâm lý sợ dư luận, tai tiếng “trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”.

Đó là tâm lý học để làm quan “trị nước chăn dân”, chứ không phải học để trở thành doanh nhân, đi làm doanh nghiệp. Đó là tư duy “xấu đều hơn tốt lỏi”, khó chấp nhận sự xuất sắc, đột phá, hơn hẳn của các cá nhân.

Đó còn là tâm lý “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, thấy công việc khó khăn thì muốn đùn đẩy người khác, hưởng thụ thì muốn “xơi” trước tiên. Ý nghĩ “phép vua thua lệ làng” của văn hóa làng xã còn thường trực trong đầu óc nhiều người.

Khi kinh doanh trở thành một nghề thực sự, được trọng vọng trong xã hội, những chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân hiện đại cần được xác lập một cách rành mạch, rõ ràng theo các tiêu chuẩn cụ thể. Đó là ý thức công dân và lòng yêu nước; các giá trị nhân bản; kinh doanh tầm nhìn, có tri thức, có khả năng hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Các doanh nhân còn phải có văn hóa chấp nhận mạo hiểm, văn hóa chấp nhận thất bại và cả văn hóa chịu đựng áp lực khi thành công, văn hóa xử lý khủng hoảng, văn hóa tuân thủ pháp luật, văn hóa về chữ tín, văn hóa coi cạnh tranh lành mạnh chính là suối nguồn cảm hứng của sáng tạo.

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đã từng viết, 50 năm trước, mọi triết lý kinh doanh đều dạy con người như một chiến binh, phải bằng mọi giá để giành hợp đồng, giành lợi ích cho mình, đó là triết lý kinh doanh khai thác tối đa chỗ yếu con người, đào tạo đội ngũ doanh nhân trở thành những con sói dữ.

Triết lý kinh doanh giờ đây đã thay đổi, coi con người là đối tác, hỗ trợ nhau. Đó chính hình ảnh những doanh nhân chân thật, trung thực. Khái niệm “cùng thắng, win- win”  chính là triết học vì doanh nghiệp. Những trường dạy kinh doanh cũng chính là để thực sự hiểu con người, không phải coi họ chỉ là khách hàng tiêu thụ thuần túy mà nhìn con người dưới góc độ tâm hồn, suy nghĩ, sở thích…. Nếu không hiểu về con người sẽ triệt hạ kinh doanh, hay là kinh doanh bị triệt hạ.

Người viết rõ ràng không thể đủ kiến thức và kinh nghiệm để viết về một vấn đề rất lớn và mới, khi từ văn hóa ghép được với từ doanh nghiệp, doanh nhân, kinh doanh…, chỉ xin mạnh dạn nói một số điều cảm nhận ban đầu về những điều vô cùng hệ trọng này. Hy vọng sắp tới chúng ta sẽ đưa được ra các khái niệm chuẩn mực, mang tính phổ quát về văn hóa doanh nhân-doanh nhân văn hóa, văn hóa doanh nghiệp-doanh nghiệp văn hóa …

Lê Xuân Hiền

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KHĐT tỉnh Hải Dương – Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ