Nuôi cá tra phải có … giấy phép?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhìn ra thế giới, các chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ hay các chủ trại nuôi cá hồi nổi tiếng của Na Uy, muốn nuôi, phải có ít nhất một tờ giấy phép của cơ quan chức năng, thậm chí có quốc gia còn quy định 2-3 loại giấy phép khác nhau có liên quan đến bảo vệ môi trường, hợp đồng tiêu thụ, an toàn vệ sinh thú y và nhiều ràng buộc khác.

Mối lo ngại từ phong trào “tự phát”

Cá tra lâu nay vốn chỉ là “đặc sản” của vùng sông nước ĐBSCL nhưng mới đây, một doanh nghiệp ở Quảng Nam đầu tư nuôi cá tra quy mô lớn để phục vụ cho nhà máy chế biến của mình. Có thể xem đây là mô hình nuôi cá tra khá mới lạ với nông dân Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.

Giám đốc công ty này cho biết điều ông lo lắng nhất không phải là chế biến ra sản phẩm gì, tiêu thụ cá tra hay xuất bán cho ai, mà là phong trào nuôi cá tự phát. “Nếu thấy tôi nuôi cá tra thành công, thì rồi đây, rất có thể nhiều người khác đổ xô nuôi theo, lúc đó ao cá của công ty khó bề yên ổn vì môi trường ô nhiễm, dịch bệnh có thể lây lan do nuôi tự phát”.

Vị giám đốc trên lo ngại cũng đúng, bởi nền nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam lâu nay nổi tiếng với hai từ “tự phát”. Không chỉ cá tra, gần như toàn bộ các loại nông, thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm qua đều ít nhiều có tình trạng nông dân tự phát đổ xô lúc thì trồng ồ ạt cà phê khi thấy giá lên, đốn hạ khi giá giảm; trồng sắn ào ạt, rồi mía, tôm sú hay cá tra đều tương tự.  

Và, như một quy luật, cứ nông dân đổ xô nuôi cá tra thì cá thừa mứa, bán đổ bán tháo, rớt giá và ngược lại, qua mùa sau, ít đầu tư, sản lượng cá giảm thì giá lại tăng và điều này cứ kéo dài dai dẳng. Cơn khủng hoảng giảm giá cá tra hiện nay ở ĐBSCL với hơn 300.000 tấn cá tra đang tồn đọng trong ao hầm, ngoài các lý do giá cả thế giới, lãi suất ngân hàng cao, còn có nguyên nhân nông dân đổ xô nuôi cá ào ạt bởi năm ngoái xuất khẩu cá tra thuận lợi, với kim ngạch hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Điều đáng nói là trong cơn khủng hoảng thừa mứa cá hiện nay, lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp chế biến thủy sản việc đầu tiên là ưu tiên mua cá của trang trại do mình tự đầu tư, kế tới là cá của các trang trại mà doanh nghiệp có ký hợp đồng tiêu thụ hay nằm trong câu lạc bộ nuôi cá, liên hợp nuôi cá gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp. Do đó, tình trạng cá thừa mứa lại rơi chủ yếu vào các chủ trại nuôi cá nhưng địa chỉ tiêu thụ là… thị trường tự do.

Nuôi cá có cần giấy phép?  

Trong một hội thảo gần đây về vấn đề liên kết dọc giữa nhà máy chế biến và người nuôi cá, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết qua các chuyến tham quan, tìm hiểu nghề nuôi cá ở các nước, ông thấy giấy phép là một vấn đề quan trọng. Các chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ hay các chủ trại nuôi cá hồi nổi tiếng của Na Uy, muốn nuôi, phải có ít nhất một tờ giấy phép của cơ quan chức năng, thậm chí có quốc gia còn quy định 2-3 loại giấy phép khác nhau có liên quan đến nuôi thủy sản như bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thú y và nhiều ràng buộc khác.

“Ở Na Uy, không phải ai có tiền hay có đất là có thể nuôi cá hồi, mà phải trải qua hai lần xin phép, một lần là xin phép về vùng nuôi, một lần là địa điểm nuôi với các ràng buộc nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn. Cụ thể, khả năng tài chính của người nuôi, kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi của người lao động, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hợp đồng tiêu thụ với nhà chế biến và nhiều ràng buộc khác”, ông Dũng kể lại.

Và ông cũng cho rằng, nếu so với Mỹ hay Na Uy thì nông dân Việt Nam “thật sướng”, muốn thì bỏ tiền ra nuôi, ai có đất, có điều kiện mặt nước thì nuôi mà không cần cơ quan nào giám sát hay nhà máy nào đặt hàng mua cá.

Ông Dũng kể lại câu chuyện một lần gặp một chủ trại trong nước mới đầu tư nuôi cá, ông hỏi địa chỉ tiêu thụ cá thì chủ trại tỉnh bơ chỉ tay ra… chợ.

Cho nên, một trong những giải pháp phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra bền vững mà Vasep đang kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết tình hình tồn đọng cá tra hiện nay ở ĐBSCL có liên quan tới… giấy phép nuôi cá.

Công văn do ông Dũng ký hồi cuối tuần trước đã đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa việc nuôi cá tra quy mô công nghiệp vào nhóm đối tượng sản xuất có điều kiện, phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến xuất khẩu, và phải được đăng ký theo đúng tinh thần của Luật Thủy sản và Luật Bảo vệ Môi trường.

Điều này có nghĩa, những ai muốn nuôi cá tra quy mô công nghiệp phải có thẩm định và cấp giấy đủ điều kiện nuôi cá của cơ quan chuyên môn, đảm bảo chắc có địa chỉ tiêu thụ và đây cũng là giải pháp để hạn chế dần tình trạng nuôi cá tự phát kèm theo những cơn sốt giá hay khủng hoảng thừa cá như hiện nay.

Theo ông Dũng, Luật Thủy sản hiện hành cũng ít nhiều quy định về vấn đề này nhưng kể từ khi nó ra đời đến nay, chẳng thấy ai áp dụng.

Thế nhưng, gần 5 năm kể từ khi Luật Thủy sản có hiệu lực, Bộ Thủy sản cũ và nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần như chưa hề triển khai thực hiện hai điều luật quan trọng có liên quan tới người nuôi trồng thủy sản.

Trong Luật Thủy sản, khoản 1 của điều 24 có quy định: Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải có các điều kiện sau đây:

a/ Ðịa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch.

b/ Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

c/ Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về thú y.

Khoản 2 của điều 32 cũng nói rõ: Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phải tuân theo các quy định của vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của công trình nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và môi trường nuôi trồng thủy sản.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online