Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bất cập lớn nhất là sắc thuế nhà đất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến thị trường BĐS nước ta biến động như vậy?
Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân là do bộ máy quản lý bao gồm các hệ thống luật pháp, quy hoạch, tài chính vẫn còn có những điểm chưa điều chỉnh được thị trường, trong đó bất cập hơn cả vẫn là hệ thống thuế sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho khu vực phi nông nghiệp chưa đủ sức điều tiết.

Bên cạnh đó là sự yếu kém của hệ thống đăng ký và quản lý đất đai, rồi năng lực đội ngũ công chức trong lĩnh vực này đều chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một thị trường mà sức mạnh của nó đã khá lớn. Ngoài ra, đối với người tham gia thị trường thì tâm lý đám đông là khá mạnh. Khi thị trường “lạnh” thì mọi người thi nhau rút ra, nhưng khi thị trường “nóng” thì lại đua nhau nhảy vào. Đây cũng là một yếu tố khiến thị trường biến động thất thường.

Hậu quả của việc “sốt giá” trên thị trường BĐS là gì?
Thị trường BĐS hiện cũng đã phát triển khá mạnh, trong khi đó “chiếc áo” quản lý thì lại quá chật. Vì vậy, tính chất tự do của thị trường có vẻ như đã tuột khỏi tầm quản lý của Nhà nước. Minh chứng là hiện nay nhiều điều mà các cơ quan quản lý mong muốn đều không thực hiện được, trong đó mong muốn lớn nhất là khống chế giá đã không thành hiện thực. Điều này cũng góp phần đưa tỷ lệ lạm phát trong năm 2007 vượt qua mức hai con số.

Tình trạng “sốt” của thị trường BĐS cũng sẽ khiến chúng ta rất khó xử lý các vấn đề xã hội có liên quan đến thị trường này như chính sách nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người nghèo… Chính vì vậy, giá cả đầu vào của quá trình sản xuất cũng như dịch vụ tăng cao cũng sẽ có tác động vào giá cả hàng hoá khác, gây khó khăn cho quá trình phát triển chung của nền kinh tế.

Vì sao các cơ quan quản lý phải chịu bó tay trước tình trtạng này, thưa ông?
Hiện nay, bất hợp lý lớn nhất là thuế đối với đất phi nông nghiệp và tài sản gắn liền với đất. Đến thời điểm này, chúng ta vẫn áp dụng Pháp lệnh Thuế nhà đất được ban hành từ năm 1992 và được sửa đổi năm 1994. Đây là một sắc thuế rất “cổ”. Chính vì vậy, sắc thuế này trên thực tế đã không giúp điều chỉnh được bất cứ điều gì trong bối cảnh thị trường BĐS lớn mạnh như hiện nay. Tôi cho rằng, sắc thuế này phải là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh lĩnh vực đất phi nông nghiệp một cách hiệu quả. Tuy nhiên, về công cụ tài chính thì hiện nay chúng ta vẫn có rất nhiều việc cần phải làm, nhưng chưa làm được.

Để kéo giá cả của thị trường BĐS về đúng giá trị thực của nó, theo ông, chúng ta phải áp dụng giải pháp cơ bản nào?
Theo tôi, về nguyên tắc, phải đánh thuế cao vào những trường hợp có đất, nhưng không đưa vào đầu tư. Ví dụ, như trong thời hạn 1 năm mức thuế bằng từng này, nhưng để chậm đến 2 năm thì mức thuế sẽ luỹ tiến tăng lên, năm thứ 3 còn tăng cao hơn nữa… Cách tính thuế như vậy chắc chắn sẽ tăng trách nhiệm của nhà đầu tư. Đối với những trường hợp có nhà, đất hay cơ sở sản xuất, nhưng không đưa vào sử dụng, hoặc những người có nhà ở trên diện tích lớn vượt quá hạn mức đất ở thì cũng phải áp dụng hình thức thuế luỹ tiến cao hơn. Chỉ khi áp dụng được các giải pháp mạnh như vậy thì mới đưa giá cả thị trường BĐS về đúng giá trị thực của nó.

Nguồn: Báo Đầu tư