Ông Nguyễn Bắc Son: “Những ngày tới gia đình tôi sẽ sớm nộp 3 triệu USD”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại phiên toà sáng ngày 20/12, Viện kiểm sát đã xác nhận ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án. 

Viện kiểm sát xác nhận, ông Nguyễn Bắc Son vẫn chưa nộp tiền khắc phục thiệt hại. Do đó, những tài sản của bị cáo Son bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Viện kiểm sát khẳng định, ông Nguyễn Bắc Son có hành vi rất quyết liệt, với mục đích tư lợi đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện dự án bằng được.

“Bị cáo Son có vai trò đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới buộc phải thực hiện. Bị cáo cũng nhận được số tiền lớn nhất 3 triệu USD sau khi thương vụ thành công”, Viện kiểm sát cho hay.

Trong phiên toà chiều 20/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã có trình bày phần tự bào chữa gần 90 phút. Do sức khoẻ yếu nên ông Son được Hội đồng xét xử cho ngồi trình bày. Ngày 19/12 đã được gặp gia đình, con cái để bàn bạc khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Son khẳng định trong những ngày tới, gia đình ông sẽ sớm nộp tiền khắc phục.

Bị cáo Son cho rằng, thời điểm xảy ra từ nhiệm kỳ trước nên cũng có thể có người nhớ, người quên và trong quá trình điều tra có người khai đúng sự thật nhưng có người khai thiếu chính xác do yếu tố chủ quan, khách quan nào khác.

“Phát biểu của tôi sau đây sẽ liên quan đến những người đã từng là đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới nên rất nhạy cảm”, ông Son mong Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát sẽ căn cứ vào những tài liệu chính để xác minh, đối chiếu để đảm bảo sự thật khách quan.

“Cáo trạng truy tố với cá nhân tôi về 2 tội danh như sáng nay thì tôi thấy hoàn toàn nhất trí và rất đúng người, đúng tội nhưng cần xem xét những chứng cứ chính xác”, bị cáo Son nói.

Bị cáo Son nói, cơ quan công tố nói ông định hướng và giới thiệu cho Chủ tịch Mobifone là “chỉ được mua cổ phần AVG” là sai. Ông Son cho biết, trong một cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 2/2015, ông được Lê Nam Trà thông báo đang cho xem xét mua một đài truyền hình để phát triển lĩnh vực này.

“Lúc đó tôi có nói là ngoài các đài truyền hình khác, Mobifone nên nghiên cứu thêm AVG, là xem xét mua chứ không phải tôi định hướng mua như cáo trạng quy kết. Việc nghiên cứu mua AVG là bình thường bởi đây là đài truyền hình, nếu bán cổ phần cho nước ngoài sẽ khó quản lý”, ông Nguyễn Bắc Son nói.

Đáng chú ý, bị cáo Son còn phủ nhận việc chỉ đạo Vụ quản lý doanh nghiệp phải mua AVG trong năm 2015. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương thì ông Son cùng Bộ Thông tin và Truyền thông mới tiến hành triển khai dự án.

Sáng nay, Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son 16-18 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt bị cáo Son bị đề nghị mức án tử hình.

Năm 2015, Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A – thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá. Sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng.