Ông Nguyễn Hữu Đường: Nếu dự án trung tâm thương mại, Outlet, V+ phải dừng, tổn thất không thể đong đếm được
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau 4 tháng đề xuất, Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại (TTTM), Outlet, nhà ở thương mại xã hội Hòa Bình ở xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn chưa được phê duyệt.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho rằng, nếu dự án Tổ hợp trung tâm thương mại (TTTM), Outlet, nhà ở thương mại xã hội Hòa Bình ở xã Vĩnh Ngọc bị dừng thì tổn thất sẽ không thể đong đếm được. 

Thưa ông, Báo Đầu tư đã đưa thông tin về việc, từ tháng 9/2020, Tập đoàn Hòa Bình đề xuất thực hiện Dự án Tổ hợp TTTM, Outlet, nhà ở thương mại xã hội Hòa Bình lên UBND TP. Hà Nội. Dự án nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền TP. Hà Nội, nhưng vì sao sau 4 tháng đề xuất, Dự án vẫn chưa được phê duyệt?

Cá nhân tôi và tập thể anh em thương binh nặng của Tập đoàn Hòa Bình đã ấp ủ, khát khao thực hiện Đề án xây dựng hệ thống TTTM miễn phí trên cả nước từ năm 2014. Để chứng minh Đề án có thể thành công, năm 2015, Công ty đã dành 25.000 m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 – Minh Khai, Hà Nội, miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm của mình.

Giá trị mặt bằng miễn phí từ năm 2015 đến nay là 1.253 tỷ đồng. Việc miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, giá bán rẻ hơn so với các TTTM khác tới 30%.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Tháng 3/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận, Đề án của Hòa Bình là có hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ.Trên cơ sở đó, chúng tôi đã trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xin được thuê đất xây dựng TTTM tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Suốt 5 năm qua, Hòa Bình đã gửi nhiều văn bản, có nhiều buổi làm việc với các tổ chức, cơ quan trung ương và địa phương, đề nghị được thuê đất trả tiền hàng năm để xây dựng TTTM theo cơ chế như các doanh nghiệp nước ngoài. Ý tưởng vừa khả thi, vừa hiệu quả cao đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, UBND các địa phương, song vì vướng nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, nên đến nay vẫn chưa thể triển khai đồng loạt.

Ngày 15/9/2020, Tập đoàn Hòa Bình đã gửi Công văn số 209-2020/CV-HB tới UBND TP. Hà Nội đề nghị xin được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại huyện Đông Anh để thực hiện Dự án Tổ hợp TTTM, Outlet, nhà ở thương mại xã hội Hòa Bình theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn.

Ngày 10/11/2020, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có Công văn số 69-CV/VPTU nêu ý kiến của Thường trực Thành ủy đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan, rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định và báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

Mới đây, ngày 2/12/2020, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức cuộc họp liên ngành giữa các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và UBND huyện Đông Anh về đề nghị cho phép chỉ định nhà đầu tư và đóng góp kinh phí giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, Outlet và nhà ở Hòa Bình tại xã Vĩnh Ngọc theo Quyết định 61/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Kết luận 574/TB-VP ngày 7/12/2020, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư.

Tại sao Hòa Bình lại xin được chỉ định nhà đầu tư và nguyên nhân gì mà đến nay UBND TP. Hà Nội vẫn chưa phê duyệt dự án, thưa ông?

Chúng tôi đã nhận được Văn bản số 6422/KH&ĐT-NNS ngày 24/12/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Theo đó, Sở cho biết, ngày 20/8/2019, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản 977/TB-UBND thông báo kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp về danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài.

Trong đó có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ danh mục kêu gọi đầu tư từ năm 2016 đến nay, đưa các dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài vào danh mục kêu gọi chung (trừ các dự án mà Thành phố đã triển khai thực hiện), thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình pháp luật hiện hành (không chỉ định nhà đầu tư). Phương thức thực hiện nghiên cứu theo 2 phương án là: Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất; hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn là Dự án của chúng tôi phải đấu thầu quyền sử dụng đất.

Nhưng tại khu đất này có đến 61,8 ha là đất nông nghiệp đã được cấp sổ đỏ cho người dân, muốn đấu thầu, đấu giá đều phải đền bù, giải phóng mặt bằng, Nhà nước đứng ra thực hiện. Để làm xong giải phóng mặt bằng sẽ mất ít nhất 3-5 năm nữa mới có quỹ đất để đấu giá, đấu thầu. Thực hiện theo phương thức này thì quá lâu. Hòa Bình là công ty thương binh, anh em chúng tôi đã trên dưới 70 tuổi không thể chờ đợi lâu hơn nữa, quỹ thời gian của chúng tôi còn rất ít.

Mặt khác, chúng tôi đề xuất được chỉ định nhà đầu tư theo Quyết định số 61/2015/QĐ-TTg ngày 29/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân – Nội Bài).

Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ định 8 nhà đầu tư thực hiện dự án dọc hai bên đường tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài thì tại sao chúng tôi lại không được chỉ định thực hiện theo hình thức này. Các dự án này hiện nay còn chưa khởi động xây dựng.

Nếu được chỉ định làm nhà đầu tư, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng luôn và chỉ trong 18 tháng sẽ đưa dự án TTTM, Oulet lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động.

Ông vừa nói đây sẽ là dự án TTTM, Oulet lớn nhất Đông Nam Á. Vậy Dự án sẽ mang lại những lợi ích, tác động tích cực gì cho kinh tế – xã hội của TP. Hà Nội và đất nước?

Trung tâm thương mại, Outlet V+ khi hoàn thành sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại, đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5 ha dành riêng cho khu làng nghề; 1 ha dành cho khu vực lễ hội; 2,5 ha là khu các cảnh quan – di tích nổi tiếng thế giới dát vàng … có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.

Dự án hoàn thành sẽ là một công trình kỳ vĩ nhất của đất nước, Việt Nam sẽ có trung tâm thương mại, outlet lớn nhất ASEAN. Lợi ích, tác động tích cực của dự án với nền kinh tế đặc biệt lớn:

Thứ nhất, việc đầu tư dự án không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh phía Bắc, trở thành hệ thống tiêu thụ hàng hóa cho cả nước.

Thứ 2, Dự án khi đi vào hoạt động dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 50 tỷ đồng/ngày (36.000 tỷ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 – 20.000 việc làm. Qua đó, sẽ hình thành một hệ sinh thái hàng trăm doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phục vụ “siêu siêu thị” này hoạt động. Chưa kể, hàng chục ngàn thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là đối tác cung cấp hàng tại đây.

Thứ 3, Dự án đi vào hoạt động năm 2022, thì lượng khách du lịch quốc tế đến du lịch và mua sắm tại Hà Nội năm 2023 ước tính sẽ đạt 30 triệu lượt, năm 2025 sẽ là 50 triệu lượt. Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ thu hút hàng chục triệu khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, mua sắm và hàng trăm triệu người Việt. Dự án sẽ là động lực, là điểm đến mua sắm giá rẻ lớn nhất khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch mạnh mẽ cho đất nước. Các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi từ việc bán hàng cho người dân và khách du lịch, còn khách du lịch có thể thỏa sức mua sắm với nhiều thương hiệu đẳng cấp. Làm được điều đó, kinh tế đất nước sẽ có bước phát triển đột phá, đến năm 2035 sẽ đứng trong nhóm các nước kinh tế phát triển và thu nhập cao, rút ngắn 10 năm so với mục tiêu đề ra.

Thứ 4, tôi kỳ vọng rằng, Trung tâm thương mại, Outlet V+ tạo lực đẩy mới, giúp các doanh nghiệp Việt có động lực cạnh tranh, giành lại thị phần từ các đối thủ nước ngoài; đồng thời, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường.

Tôi mong muốn xây dựng hệ thống trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong nước có chỗ tiêu thụ, bán sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, tự chủ và điều tiết được kênh phân phối, không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào.

Vì sao ông cứ phải nhất quyết xây dựng TTTM, Outlet miễn phí khi lĩnh vực này rất khó cạnh tranh, gặp nhiều trở ngại khi thực hiện?

Không phải đơn giản mà Hòa Bình nhiều năm nay  tâm huyết trong việc đầu tư các trung tâm thương mại có giá thuê mặt bằng thấp nhất và coi đó là một cách hỗ trợ hàng Việt Nam. Bởi vì tôi nghĩ, ai nắm được hệ thống phân phối sẽ chi phối mạnh đến hoạt động sản xuất. Hiện nay, hệ thống phân phối 90% đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài nên việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước là rất khó khăn.

Nếu hệ thống TTTM của Hòa Bình hoàn thành, được Chính phủ và các tỉnh, thành phố ủng hộ, thì đây sẽ là hệ thống TTTM rất lớn, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất trong nước, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Doanh nghiệp Việt muốn phát triển thì đầu tiên phải chinh phục được thị trường trong nước. Thị trường nội địa với 100 triệu dân không phải là nhỏ.

Nếu buộc phải dừng dự án, ông có tiếc nuối không?

Nếu không được chỉ định làm nhà đầu tư, chúng tôi buộc phải dừng dự án. Đây là điều vô cùng tiếc nuối khi tôi đã dành rất nhiều thời gian, tiền bạc, tâm huyết từ năm 2015 đến nay.

Chúng tôi là những người lính, từng không tiếc xương máu để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì thế, chúng tôi là những người thực lòng mong muốn đất nước phát triển và không muốn bất cứ ai coi thường dân tộc mình. Nếu Nhà nước ủng hộ, đồng ý nhân rộng mô hình này, chúng tôi nguyện sẽ dốc sức làm. Chúng tôi muốn giúp doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam phát triển.