Áp lực cuối năm, CPI chỉ được tăng 0,42%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy thấp hơn mức tăng 1,31% của tháng 9, nhưng so với các tháng 10 trong vòng 15 năm qua (từ năm 1995 trở lại đây) CPI tháng 10 này có mức tăng cao nhất. “Kỷ lục” 0,74% – mức tăng CPI của tháng 10/2007 đã bị xô đổ sau 13 năm duy trì.

10 trên tổng số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng giá trong tháng 10, duy nhất nhóm hàng bưu chính – viễn thông vẫn trong xu hướng giảm (giảm 0,07%).

Giữ quyền số lớn (40%) trong rổ hàng hóa tính CPI tháng 10, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng giá tới 1,32%. Trong đó, giá lương thực tăng 1,89%; giá thực phẩm tăng 1,22%; còn ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%. Đà tăng mạnh này có sức đẩy lớn từ giá gạo và một số hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều như thịt lợn, thịt gà, rau xanh… ở một số địa phương.

Tuy đã giảm tốc đáng kể so với mức tăng 12,02% của tháng trước, song nhóm giáo dục vẫn là nhóm tăng mạnh nhất. Chỉ có chưa đầy 20 tỉnh, thành phố áp mức tăng học phí từ tháng này nhưng mức tăng rất lớn, có nơi gấp 5-6 lần, đã đẩy mặt bằng giá nhóm giáo dục tăng cao, lên 3,9% so với tháng 9.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 1,04% trong tháng 10 do vật liệu xây dựng bắt đầu tăng giá khi người dân tăng nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở cuối năm.

Nhóm đồ uống, thuốc lá cũng tăng 0,9% chủ yếu do giá một số đồ uống có gas được điều chỉnh trong tháng này…

Ngoài xu hướng tăng giá vào những tháng cuối năm, tác động của chính sách tăng học phí, Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, lũ lụt kéo dài tại miền Trung được xem là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 10 tăng cao. Bên cạnh đó, tuy giá vàng và giá USD không có tác động trực tiếp đến chỉ số CPI, song những biến động giá trên thị trường luôn tạo ra những tâm lý tăng giá với nhiều mặt hàng khác.

Trong tháng 10, giá vàng tăng 7,87% so với tháng trước, tăng 13,47% so với tháng 12/2009 và tăng 38,01% so với cùng kỳ, Tính trung bình, 10 tháng năm nay, giá vàng tăng 37,45% so với 10 tháng năm ngoái. Giá USD cũng có xu hướng tăng. Tháng 10, USD tăng giá 0,6% so với tháng trước, tăng 3,52% so với tháng 12/2009 và tăng 8,37% so với cùng kỳ. Tính trung bình, 10 tháng năm nay, giá USD tăng 7,21% so với 10 tháng năm ngoái. VND mất giá so với USD và vàng không chỉ gây sức ép lên tâm lý thị trường mà cũng tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng nhập khẩu…

Như vậy, còn 2 tháng nữa mới hết năm mà CPI của cả năm đã vượt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra và so với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 8% mà Chính phủ đặt ra từ hồi tháng 4/2010 thì “dư địa” còn lại cho 2 tháng cuối năm còn quá hẹp – chỉ khoảng 0,2% mỗi tháng, chưa kể những diễn biến bất lợi có thể nhìn thấy được như tác động của giá vàng, giá USD, hậu quá của thiên tai…

Linh Lan
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam