Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng: Cơ quan chức năng lúng túng trước vụ lừa đảo qua mạng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho biết:

– Đây là hành vi lừa đảo mới, các đối tượng lấy tiền của người trước trả cho người sau. Lừa đảo có nhiều cách, Internet chỉ là một công cụ, là thủ đoạn mới còn bản chất vẫn vậy. Phải nói rằng trên thế giới, thủ đoạn lừa đảo trên mạng rất nhiều.

Trong không gian thực có bao nhiêu hình thức lừa đảo thì không gian ảo cũng có bấy nhiêu. Vấn đề là cách thức xử lý, hiểu biết của chúng ta về vấn đề này đến đâu. Rõ ràng ta phải nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý trong không gian ảo, kể cả năng lực cơ quan điều tra, đảm bảo hiệu quả như điều tra trong không gian thực.

– Có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn vì các quy định pháp luật, chế tài còn chưa chặt chẽ, ông có nghĩ như vậy?

– Nếu là một vụ vỡ hụi thì chẳng có gì khó xử lý. Những đối tượng vi phạm bị bắt, xử lý như các vụ lừa đảo khác. Tuy nhiên, những vụ như thế này khó hơn. Chẳng hạn, đối tượng gửi thư đến bảo trúng xổ số rồi, chuẩn bị đi đến địa điểm nào đó để nhận. Muốn nhận phải gửi tiền đặt cọc.

Khi gửi tiền đặt cọc qua mạng, đối tượng cài phần mềm sẵn nên chúng sẽ biết tài khoản của người gửi và hôm sau chúng sẽ mở lấy hết tài khoản. Những thủ đoạn như vậy là khó tìm bởi ta chưa có kinh nghiệm đối phó.

– Dường như các ngân hàng thực sự lúng túng, chưa dự báo được những hình thức lừa đảo như thế này?

– Không chỉ ngân hàng, mà các cơ quan công quyền của ta nói chung còn lúng túng. Tội phạm qua mạng diễn ra ở nhiều góc độ, không chỉ là việc rút tiền qua tài khoản ở ngân hàng. Trước hết phải bảo vệ tài sản của mình, chủ nhân của những tài sản đó.

Tài sản của mình thì trước hết mình phải bảo vệ, còn mình không bảo vệ được mà nhờ người khác bảo vệ thì đương nhiên rủi ro nhiều hơn. Việc bảo vệ tài sản cũng phải học cách, còn các cơ quan công quyền mang tính trợ giúp. Nếu nghĩ rằng ta có tài khoản ở ngân hàng, có quyền để lộ thông tin, mật khẩu cho bất kỳ ai thì làm sao ngân hàng đủ sức bảo vệ tài sản được.

– Hậu quả của vụ lừa đảo này là quá lớn, theo ông, chúng ta cần rút ra bài học gì để không xảy ra những vụ việc tương tự?

– Những người phải đi vay, thế chấp nhà cửa để đầu tư vào loại hình này thì hậu quả xảy ra là quá lớn. Trước đây có vụ nước hoa Thanh Hương, nhưng tiếc là quá khứ không dạy gì cho tương lai.

Đầu tư tiền qua mạng một lần nữa cho chúng ta thêm bài học: đồng tiền liền khúc ruột, làm gì, chơi gì bao giờ cũng phải cân nhắc. Thông điệp thứ hai, không có cái gì trên trời rơi xuống, bất cứ cái gì cũng phải xem lại các mặt, không ở đâu mà bỗng dưng tiền đẻ ra như vậy được.

Bằng trí tuệ thông thường chúng ta cũng đã thấy sự bất hợp lý ở đây. Thêm một bài học kinh nghiệm rút ra là chính quyền cơ sở phải được củng cố vì chỉ ở cơ sở mới biết được người dân tham gia vào loại hình gì để cảnh báo. ở đây, rõ ràng chính quyền cơ sở có vấn đề.

Theo Báo An ninh thủ đô