Phân biệt đối xử ngay khi làm luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phân biệt đối xử?

Theo điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014, chỉ có 20,1% số doanh nghiệp dân doanh được hỏi cho biết họ đã từng được ít nhất một lần góp ý kiến về dự thảo pháp luật. Con số này không phải thấp, nhưng nếu phân tích sâu hơn sẽ cho thấy nhiều vấn đề khác.

Kết quả khảo sát (ở bảng bên) cho thấy, chỉ có 14% các doanh nghiệp vốn dưới 1 tỉ đồng từng được hỏi ý kiến, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp vốn trên 10 tỉ đồng là 35%. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp càng lớn thì càng được hỏi ý kiến nhiều.

Theo các chuyên gia, sự phân biệt đối xử này khá nguy hiểm, đặc biệt là trong việc kiểm soát các điều kiện kinh doanh. Thông thường, khi cơ quan nhà nước đưa ra một điều kiện kinh doanh mới thì các doanh nghiệp lớn sẽ có xu hướng ủng hộ nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ. Bởi các doanh nghiệp lớn rất dễ đáp ứng điều kiện kinh doanh mới, đồng thời lại loại bỏ được các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với họ.

Điều này cũng phần nào giải thích cho con số hơn 5.588 điều kiện kinh doanh mà Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mới công bố gần đây. Với cung cách lấy ý kiến khi xây dựng pháp luật như vậy, việc có nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ chưa đáng ngại bằng việc phân biệt giữa các doanh nghiệp có mối liên hệ với nhà nước và các doanh nghiệp khác. Theo kết quả khảo sát, những doanh nghiệp có vốn nhà nước được hỏi ý kiến lên đến 39% so với những doanh nghiệp không có vốn nhà nước chỉ có 19% số doanh nghiệp từng được hỏi.

Đã từng có trường hợp, cơ quan soạn thảo báo cáo rằng 100% các doanh nghiệp được hỏi đồng ý với dự thảo, nhưng đến khi văn bản được ban hành thì các doanh nghiệp lại phản đối. Hỏi kỹ mới biết, bộ soạn thảo chỉ lấy ý kiến của các doanh nghiệp trực thuộc bộ của mình. Lại có trường hợp bộ ngành ban hành văn bản quản lý một quan hệ dịch vụ, nhưng chỉ hỏi ý kiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà không hỏi các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ấy. Cũng có trường hợp cơ quan soạn thảo có thiện chí hỏi ý kiến doanh nghiệp nhưng không biết địa chỉ hay số điện thoại của doanh nghiệp để liên lạc.

Nên có đầu mối lấy ý kiến doanh nghiệp

Mặc dù Nghị định 24/2009/NĐ-CP đã quy định các văn bản pháp luật có quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thì phải gửi lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhưng trên thực tế mức độ thực thi của các bộ ngành rất hạn chế. Trong tổng số 366 văn bản pháp luật các loại ở cấp trung ương (Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư) có liên quan đến kinh doanh thì chỉ có 147 được lấy ý kiến VCCI (chiếm 40,1%).

Một chủ doanh nghiệp tại Cần Thơ chia sẻ: “Chúng tôi không dám góp ý vì cứ góp ý là hôm sau chúng tôi bị thanh tra. Cuối cùng chúng tôi đành phải gửi ý kiến cho VCCI Cần Thơ và nhờ họ phản ánh đến chính quyền nhưng không được nêu tên doanh nghiệp của chúng tôi ra”.

Giải pháp cho vấn đề này là phải quy định bắt buộc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là các dự thảo có quy định liên quan đến doanh nghiệp phải được lấy ý kiến thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Việc làm này sẽ đạt được ít nhất ba mục đích. Thứ nhất, tăng tính chuyên nghiệp, tiết kiệm chi phí cho toàn bộ công tác lấy ý kiến. Thứ hai, các doanh nghiệp được lấy ý kiến sẽ đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thay vì chỉ một nhóm doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có liên hệ với nhà nước như hiện nay. Thứ ba, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến sẽ được bảo vệ tránh bị cơ quan nhà nước gây khó dễ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online