Phản hồi từ doanh nghiệp về chính sách miễn giảm thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2011, Chính phủ đã miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp là 13.379 tỷ đồng. Trong đó, 9.469 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp được Chính phủ gia hạn và 3.910 tỷ đồng tiền thuế miễn, giảm đã giúp doanh nghiệp có vốn luân chuyển và sử dụng một cách hiệu quả…

Chính sách này, cộng với một loạt biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi suất đã tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp không chỉ về ý nghĩa kinh tế mà có tác động khích lệ tinh thần kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Văn Phượng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu nhờn Quốc tế Việt Mỹ nói: nhận thông tin về việc Chính phủ ban hành Nghị định 101/2011/NĐ-CP hỗ trợ cho các doanh nghiệp được giảm 30% thuế thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cùng với chính sách giãn thuế chúng tôi mừng lắm. Chính sách này đã tạo điều kiện cho công ty giải quyết được khó khăn về vốn và không còn lo ngại về lãi suất ngân hàng cao.

Ông Phượng tâm sự, năm rồi công ty phải vay ngân hàng với lãi suất từ 20 – 22%. Trong khi đó, một loạt doanh nghiệp đối tác phải ngừng sản xuất hoặc phá sản. Do vậy, một khoản tiền lớn của công ty bị nợ đọng. Được Chính phủ giảm 30% thuế TNDN và giãn số thuế còn lại đã giúp công ty có nguồn vốn tiếp tục hoạt động. Đây là khoản hỗ trợ quan trọng, kịp thời giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để tồn tại và hoạt động.

Ông Phượng cũng bày tỏ suy nghĩ, “khó khăn hiện nay không phải của riêng doanh nghiệp. Do vậy, việc giảm thuế 30% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Đến giờ phút này, tôi thấy Chính phủ đã làm hết sức để giúp đỡ doanh nghiệp. Nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng”.

Xác định những doanh nghiệp khó khăn, cần tiếp sức sớm

Việc miễn, giảm, gia hạn thuế TNDN có ý nghĩa gián tiếp hỗ trợ nguồn vốn giúp doanh nghiệp giảm bớt phần vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách giãn, giảm thuế là giải pháp toàn diện. Đồng thời Chính phủ còn tập trung ưu tiên cho những doanh nghiệp khó khăn nhất và cần được tiếp sức sớm nhất. Đó là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày…

Với hơn 60 tỷ tiền thuế được giảm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn với Tập đoàn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bởi vì, trong năm 2011 hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn phải chịu nhiều ảnh hưởng, khó khăn và đối mặt với không ít thách thức từ những diễn biến của kinh tế – xã hội trên thế giới và trong nước mang lại. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cụ thể là chính sách giảm, giãn thuế, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của các doanh nghiệp trực thuộc, Tập đoàn đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua trở ngại, duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống và công ăn việc làm cho 72.000 lao động.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2011 đạt 14,20 tỉ USD, xuất khẩu xơ, sợi các loại ước đạt 1,8 tỉ USD, tổng cộng đạt 15,7 tỉ USD, tăng 38% so với năm 2010, tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu…   Với nỗ lực lớn và những giải pháp đồng bộ, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ, năm 2012, Dệt May Việt Nam sẽ vững vàng đối mặt với những thử thách của thị trường đầy biến động và bất ổn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu để duy trì mục tiêu phát triển bền vững.   Quan tâm tháo gỡ khó khăn bằng nhiều biện pháp

Cũng với niềm vui trên, Công ty Xây dựng và Phát triển kinh doanh – Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Trong năm qua, một loạt chính sách ưu đãi về thuế của Chính phủ đã tạo điều kiện cho công ty hoạt động rất hiệu quả. Nó như là “liều thuốc” động viên kịp thời, khẳng định Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện, chung sức, cùng chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.  

Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm, giãn là 1.292.750.000 đồng. Số tiền này không chỉ bù vào chi phí vật liệu, nhân công mà còn có cả ý nghĩa lớn về tinh thần. Việc làm thể hiện Chính phủ luôn quan tâm thiết thực đến doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Như vậy, bên cạnh việc cải cách các thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường, nới lỏng một số quy định để doanh nghiệp phát triển và mở rộng kinh doanh, một trong những biện pháp quan trọng, trực tiếp và hiệu quả trong thời gian qua là miễn, giảm, giãn các khoản thuế phải đóng cho doanh nghiệp.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ