Pháp chế hóa hoạt động giao dịch bảo hiểm trực tuyến
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vài nét về giao dịch bảo hiểm trực tuyến

Giao dịch bảo hiểm trực tuyến có thể hiểu là việc doanh nghiệp (DN) bảo hiểm và người có nhu cầu bảo hiểm thực hiện việc mua bán một dịch vụ bảo hiểm theo phương thức trực tuyến, tức là ứng dụng mạng điện tử. Toàn bộ hay phần lớn các bước trong quá trình khai thác đến khi ký kết hợp đồng bảo hiểm được thực hiện trên mạng internet.

Cụ thể, người có nhu cầu bảo hiểm tìm kiếm thông tin về dịch vụ bảo hiểm trên website của các DN, nếu DN triển khai hình thức bán bảo hiểm trực tuyến, người này sẽ tiến hành đăng ký và khai vào mẫu yêu cầu bảo hiểm trực tuyến của DN. Thông tin điền vào tờ khai trực tuyến trên website của DN, sau khi bấm lệnh gửi, sẽ được chuyển ngay lập tức vào trung tâm dữ liệu của DN, để chờ được xử lý. Trả lời yêu cầu bảo hiểm và cung cấp thông tin về mẫu hợp đồng bảo hiểm từ phía DN bảo hiểm có thể được thực hiện theo phương pháp giao dịch điện tử, hay theo phương pháp từ xa truyền thống như gửi thư, fax, telex như một số công ty hiện nay đang triển khai. Việc ký kết hợp đồng bảo hiểm cũng có thể được thực hiện trực tuyến hay thông qua hình thức gửi thư, gửi fax.

Cho dù thuận tiện trong khâu khai thác bảo hiểm, thuận tiện cho chính người mua bảo hiểm nhưng trong điều kiện khung pháp lý chưa đầy đủ thì phương thức giao dịch trực tuyến không phải là phương thức ưu việt, và ít nhiều tạo cơ hội cho hành vi gian lận bảo hiểm.

Phần lớn những người chọn mua bảo hiểm qua mạng là những người thực sự có nhu cầu và đã hiểu biết về bảo hiểm cũng như hình thức thương mại điện tử. Đối với nhóm người tiêu dùng thiếu kiến thức về bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm bán theo phương thức truyền thống đã gây tâm lý e ngại, thì lý do về khoảng cách và sự vắng mặt của trung gian sẽ khiến họ dè dặt hơn trước những mời chào trên internet: sự vắng mặt của người tư vấn bảo hiểm tương đồng với việc thiếu vắng một cam kết cá nhân khiến họ không yên tâm khi lựa chọn mua bảo hiểm trên mạng, đặc biệt là khi lựa chọn thanh toán trực tuyến phí bảo hiểm.

Trong khi đó, nhà bảo hiểm bán sản phẩm trực tuyến lại có mối bận tâm riêng, liên quan đến tính xác thực của thông tin và nhân thân của người mua bảo hiểm. Khoảng cách giữa hai bên giao dịch bảo hiểm trực tuyến bắt buộc DN bảo hiểm phải tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp (trừ khi DN bảo hiểm có phương tiện và điều kiện xác thực tính trung thực của thông tin). Việc tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp mà không có các biện pháp áp trách nhiệm về nghĩa vụ trung thực, sẽ gây tổn hại lớn cho DN bảo hiểm trong trường hợp khách hàng lợi dụng khoảng cách để gian lận. Bài viết sẽ phân tích một số vấn đề pháp lý mà phương pháp giao dịch trực tuyến đặt ra trong công tác quản lý bảo hiểm.

Giao dịch trực tuyến từ phía người mua bảo hiểm

Chữ ký điện tử hay nhận dạng điện tử của người mua bảo hiểm

Hình thức giao kết qua mạng internet đặt ra vấn đề về nhận dạng pháp lý người mua bảo hiểm. Trong phương thức giao kết bằng văn bản, bút tích, chữ ký, hay dấu điểm có giá trị như bằng chứng cho ý chí của người viết hay ký hay điểm chỉ, thể hiện trong nội dung tài liệu thì trong giao dịch điện tử việc xác định một cá nhân có phải là người khởi tạo một thông điệp dữ liệu hay không luôn khó hơn việc xác định tư cách này cho một tổ chức. Bởi lẽ, tổ chức và các pháp nhân khác, khi quyết định sử dụng phương thức giao dịch điện tử, thường sở hữu thiết bị và đăng ký sử dụng chữ ký điện tử. Hiển nhiên, không thể nói rằng, những cá nhân không có chữ ký điện tử thì không thể giao dịch trực tuyến. Vấn đề chữ ký điện tử chỉ nên được coi là một điều kiện đủ, không phải là điều kiện cần để giao kết trực tuyến.

Do vậy, cần áp dụng một quy trình xác định danh tính tương đương với nhận dạng theo chữ ký thích hợp với giao kết trực tuyến hợp đồng bảo hiểm cho cá nhân. Có rất nhiều cách an toàn để xác định một người là người thực hiện giao dịch. Những trang web lớn như: Yahoo, Google, Facebook, Twitter khi cung cấp các dịch vụ mở tài khoản thư điện tử hay tài khoản xã hội đều thiết kế một quy trình chặt chẽ để xác định người chủ thật sự của tài khoản trong trường hợp quên tên tài khoản, quên mật khẩu, hay chỉ đơn giản là việc thay đổi vị trí địa lý. Bắt đầu bằng việc xây dựng các điều kiện tối thiểu khi lựa chọn tên tài khoản và mật khẩu, đến việc lựa chọn một câu hỏi an toàn và phương án trả lời trong trường hợp quên mật khẩu, và thậm chí là việc nhận dạng những hình ảnh người quen, hoặc thông tin đã lưu vào tài khoản trong quá trình sử dụng. Bằng việc phát triển thêm các bước nhận dạng trên mạng điện tử, khả năng xác định người khởi tạo một thông điệp điện tử sẽ đảm bảo tính chính xác. Những rủi ro là không thể tránh khỏi nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, tương đương với rủi ro khi ký tên (ví dụ: giả mạo chữ ký…).

Về việc sửa đổi thông tin đã cung cấp

Trong quá trình hình thành hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm hoàn toàn có quyền và có nghĩa vụ sửa đổi các thông tin đã cung cấp để đảm bảo tính sát thực của thông tin với rủi ro. Tuy nhiên, việc sửa đổi thông tin phải được ghi nhận tuyệt đối là của người mua bảo hiểm. Vì lẽ, người mua bảo hiểm chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin họ cung cấp. Khi các thông tin này được khai báo và lưu trữ trực tuyến, người mua bảo hiểm phải có đặc quyền tuyệt đối và riêng biệt để thâm nhập vào hồ sơ lưu trữ các thông tin đã khai báo.

Ngược lại, các thông tin về rủi ro do người mua bảo hiểm sau khi được sử dụng để thiết lập hợp đồng và tính phí bảo hiểm, sẽ đạt giá trị duy nhất, không xâm phạm, cần được bảo đảm tính toàn vẹn. Các thông tin về rủi ro sẽ đạt tư cách pháp lý mới: là cơ sở đánh giá tính hợp pháp của các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Chính tư cách pháp lý mới của thông tin về rủi ro do người mua bảo hiểm cung cấp đòi hỏi phải có sự quản lý tách biệt trước và sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc hạn chế sửa đổi thông tin không thể coi là tuyệt đối. Phương pháp giao dịch trực tuyến phải tính đến phương thức người mua bảo hiểm thông báo về việc thay đổi rủi ro tới DN bảo hiểm bằng thông điệp điện tử. Trong trường hợp này, việc xác định danh tính của người thông báo thay đổi rủi ro bằng thông tin điện tử rất quan trọng: hoặc đó chính là người mua bảo hiểm, hoặc là người được ủy nhiệm hợp pháp của người mua bảo hiểm. Về mặt pháp lý, đây chính là điều kiện về chữ ký điện tử hay dấu hiệu nhận dạng điện tử của người mua bảo hiểm hay người được ủy quyền bảo hiểm trên thông điệp điện tử thông báo thay đổi rủi ro.

Giao dịch trực tuyến từ phía doanh nghiệp bảo hiểm

Nghĩa vụ về các thông tin và hợp đồng theo mẫu của doanh nghiệp bảo hiểm

Rất khó cho DN bảo hiểm để phân biệt khách hàng theo mức độ hiểu biết về bảo hiểm, khi bán bảo hiểm trực tuyến. Cùng một thông tin cung cấp nhưng sự thu nhận thông tin của mỗi cá nhân, tổ chức là khác nhau. Nếu không được điều chỉnh và được giải thích lại, một số cá nhân, do hạn chế về kiến thức pháp lý, có thể hiểu những lời quảng cáo của DN cũng là cam kết của DN.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin của DN bảo hiểm được quy định như một trong những nghĩa vụ cơ bản. Tuy nhiên, chưa có một điều luật nào quy định về thời điểm phát sinh và thời hạn của nghĩa vụ giải thích thông tin. Trong khi đó, một giao dịch thuần túy trực tuyến cũng không cho phép DN bảo hiểm có cơ hội giải thích lại cho người mua bảo hiểm về những thông tin chưa rõ, hoặc những thuật ngữ khó hiểu. Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 9/12/2000, điều 17 đã quy định, trách nhiệm của DN bảo hiểm trước khi hợp đồng được giao kết không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin như trường hợp giao dịch trên trực tuyến các hợp đồng mua bán thông thường. DN bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích thông tin cho người mua bảo hiểm, một cách chủ động và theo yêu cầu của người mua bảo hiểm.

Phương thức giao dịch trực tuyến cần nhấn mạnh tính chủ động trong công tác giải thích thông tin từ phía nhà bảo hiểm. Tiêu chuẩn này yêu cầu phải nhìn nhận nghĩa vụ giải thích này của DN bảo hiểm như là một loại nghĩa vụ phương tiện. Bởi hành vi giải thích của DN bảo hiểm nhằm mục đích để người mua bảo hiểm hiểu các điều kiện chung và cách tính phí của DN bảo hiểm, cũng như các thủ tục khai báo tổn thất tai nạn, thủ tục bồi thường. Hiện nay, nghĩa vụ phương tiện, cũng như nghĩa vụ kết quả, không có cơ sở pháp lý trong Luật Việt Nam, kể cả Bộ luật dân sự. Cở sở để tiếp cận hai khái niệm này là Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế mà Việt Nam đang xem xét gia nhập, theo đó “nghĩa vụ phương tiện là nghĩa vụ thực hiện công việc với sự cẩn trọng và trách nhiệm như một người bình thường có khả năng ở cùng hoàn cảnh”.

Trách nhiệm đối với thông tin cho bên được bảo hiểm

Trong giao dịch trực tuyến, có sự khác biệt giữa thời điểm DN bảo hiểm cung cấp thông tin và thời điểm bên yêu cầu bảo hiểm nhận thông tin. Trên thực tế, một thông điệp dữ liệu được gửi có thể ngay lập tức được lưu trữ trong hệ thống thông tin của người nhận, nhưng nếu người nhận chưa tra cứu thì cũng không thể coi thời điểm dữ liệu nhập hệ thống thông tin của người nhận là thời điểm người này xem dữ liệu. Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra trong quan hệ bảo hiểm trực tuyến: DN bảo hiểm gửi một mẫu hợp đồng bảo hiểm vào tài khoản điện tử của người mua bảo hiểm trong khi người này đang làm một công việc khác hay ở một nơi không cho phép tra cứu hộp thư; DN bảo hiểm không thể coi thời điểm thư tới hộp thư của người nhận là người đó biết về nội dung của tài liệu gửi.

Tình huống này đòi hỏi DN bảo hiểm phải chủ động thực hiện các biện pháp thể hiện tinh thần trách nhiệm để đảm bảo việc người mua bảo hiểm đã nhận được thông tin, trước khi thực hiện bước giao dịch tiếp theo. DN bảo hiểm có thể cung cấp mẫu hợp đồng bằng cách gửi vào địa chỉ thư điện tử của bên yêu cầu bảo hiểm, hoặc bổ sung mẫu hợp đồng vào nội dung tài khoản mà bên yêu cầu bảo hiểm đã thiết lập trên website của DN khi gửi đi yêu cầu bảo hiểm. Việc gửi mẫu hợp đồng trên mạng internet, về giá trị pháp lý, chỉ có giá trị là thời điểm gửi, mà không có giá trị là thời điểm người yêu cầu bảo hiểm nhận được mẫu đó. Nên chăng, nhằm đảm bảo tính trọn vẹn của nghĩa vụ cung cấp thông tin của mình, DN bảo hiểm đề nghị người yêu cầu bảo hiểm xác nhận được việc đã nhận được mẫu hợp đồng. Có thể tìm thấy trong Luật giao dịch điện tử cơ sở pháp lý cho các giải pháp nói trên.

Việc xác nhận này hoàn toàn không phải là trả lời chấp thuận mẫu hợp đồng do bên bảo hiểm đề xuất. Sự tồn tại của thủ tục này xuất phát từ nhu cầu quản lý một loại giao dịch phức tạp. Thông báo xác nhận đã nhận được thông điệp, hay yêu cầu giải thích thêm thông tin, cũng cần được xác định là đúng của người mua bảo hiểm. Yêu cầu này dẫn chiếu về các quy định về quy trình nhận dạng điện tử của người mua bảo hiểm.

Đánh giá chung

Tính nhanh chóng và thuận tiện khi giao dịch trực tuyến đơn giản hóa khâu khai thác, làm giảm các chi phí nhân sự cho DN bảo hiểm. Mạng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ các thông tin về DN cũng như các sản phẩm bảo hiểm tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp xúc với các thông tin đa dạng, đa chiều, từ đó có thể tự so sánh để tìm ra những sản phẩm phù hợp nhất. Thế nhưng, khi những rủi ro mà hình thức giao dịch mới này đem lại khiến cả DN và người tiêu dùng đều e ngại thì vai trò quản lý thị trường của Nhà nước càng trở nên quan trọng. Cho dù hiện nay, các DN và nhà thi hành luật vẫn có thể tìm thấy các quy định pháp lý có thể áp dụng cho giao dịch bảo hiểm trực tuyến trong một số đạo luật hiện hành như Bộ Luật dân sự hay Luật về giao dịch điện tử nhưng trong phạm vi tranh chấp liên quan đến một giao dịch bảo hiểm trực tuyến, các quy định luật pháp này vẫn chỉ mang giá trị là luật chung, chỉ nên được viện dẫn khi không tìm được các giải pháp trong quy chế pháp luật chuyên ngành.

Cần phải nhìn nhận xu hướng triết lý mới của việc xây dựng các khung pháp lý trong điều kiện một nền kinh tế mở tạo cơ hội cho các phát triển năng động là nhằm phát triển, mà không ngăn cấm hay cản trở các hoạt động kinh tế xã hội vận động trong quy luật tự nhiên của nó. Quản lý nhà nước các giao dịch bảo hiểm trực tuyến ở mức độ nào, theo định hướng nào là một câu hỏi lớn cần phải giải đáp. Một khi đã xác định triết lý quản lý nền kinh tế theo pháp luật là thúc đẩy phát triển nền kinh tế năng động thì cách thức quản lý không thể quá chặt chẽ mà phải tôn trọng các quy luật phát triển thị trường, và phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, thực thi được đúng mục tiêu của loại hình dịch vụ.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 9/12/2000, Điều 17;

2. Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế, Điều 5.1.5;

3. Luật Giao dịch điện tử, Điều 18.

TS.Nguyễn Thị Minh Tú
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính 9/2012