Pháp lệnh quản lý thị trường được thông qua: Trả lại quyền cho thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Hải, việc 100% đại biểu tán thành phần nào thể hiện sự nhức nhối mà người dân đang phải gánh chịu trước tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… lưu thông trên thị trường. Pháp lệnh đã thể hiện tính kịp thời trong công tác xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật của Quốc hội.

– Nói là pháp lệnh quản lý thị trường, nhưng thực chất pháp lệnh này chủ yếu nói về lực lượng quản lý thị trường. Một lực lượng vẫn đang có mặt và được tổ chức từ cấp Trung ương, cấp tỉnh đến cấp huyện. Vậy tại sao các đại biểu lại kỳ vọng vào một văn bản quy phạm pháp luật ở mức pháp lệnh như vậy, thưa ông?

Pháp lệnh quản lý thị trường làm rõ hơn quyền lợi của những người tham gia quản lý thị trường kể cả lực lượng làm công tác quản lý nhà nước cũng như đối tượng được kiểm tra, kiểm soát trên thị trường. Đặc biệt, quyền lợi của lực lượng quản lý thị trường đã được đề cập một cách thỏa đáng. Đây là cơ sở để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chọn vẹn.

Sau 65 năm thành lập lượng lượng quản lý thị trường đã có một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh. Từ trước đến nay, những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường chỉ ở mức Nghị định, thông tư hướng dẫn. Do đó, lực lượng này chưa đủ sức mạnh để kiểm soát hàng hóa trên thị trường một cách tương sứng. Nhưng đóng góp của họ cũng chưa được ghi nhận một cách đầy đủ. Lực lượng này cũng phải chịu rủi ro nghề nghiệp rất cao. Có những cán bộ quản lý thị trường đã phải hi sinh khi làm nhiệm vụ. Nhưng họ đã không được công nhận như các lực lượng vũ trang và bán vũ trang khác.

– Hiện nay lực lượng quản lý thị trường đang có khoảng 6.500 cán bộ. Vậy sau khi Pháp lệnh có hiệu lực pháp luật, lược lượng này sẽ được tổ chức, biên chế ra sao, thưa ông?

Việc quan trọng nhất sau khi pháp lệnh có hiệu lực chính là củng cố, tổ chức để lực lượng này làm tốt những gì đã có. Nhưng điều quan trọng nhất là sự phối hợp giữa trung ương và các địa phương, đầu mối là Bộ Công thương và UBND các tình, TP trực thuộc trung ương. Việc tăng biên chế chưa phải là vấn đề đáng quan tâm nhiều. Hiện nay, trong khâu kết nối tổ chức của lực lượng này vẫn đang bị cắt khúc. Do đó, ngay sau khi pháp lệnh được thông qua, Chính phủ và Bộ Công thương sẽ có những văn bản hướng dẫn để tổ chức lại bộ máy quản lý thị trường thành một lực lượng chặt chẽ và đủ sức mạnh.

– Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói, lực lượng này sẽ phải như người “cầm đèn xanh, đèn đỏ” kiểm soát toàn bộ hàng hóa trên thị trường. Với công việc và trách nhiệm bao trùm như vậy, phải tổ chức ra sao cho hiệu quả, thưa ông?

Để thực sự giúp lực lượng quản lý thị trường trở thành những người “cầm đèn xanh, đèn đỏ” ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì pháp lệnh mới chỉ làm được một phần nhiệm vụ. Chúng tôi kỳ vọng vào một hành lang pháp lý đầy đủ hơn nữa đó là luật về quản lý thị trường. Pháp lệnh là một văn bản quy phạm pháp luật mang tính bước đệm. Luật quản lý thị trường sẽ giúp lực lượng này thực sự trở thành những người “gác cổng” của hàng hóa, sản phẩm trên thị trường một cách đầy đủ.

– Việc nhận được sự đồng tình tán thành cao 100% đại biểu tham dự phải chăng nói lên tính kịp thời của pháp lệnh vào lúc này, thưa ông?

Thời gian vừa qua, đi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những bất cập trong quản lý thị trường. Người dân than phiền rất nhiều về chất lượng hàng hóa, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sức khỏe của cả xã hội. Chính vì vậy, mọi người đều cảm nhận được tính cấp thiết của một hành lang pháp lý tốt hơn cho lực lượng quản lý thị trường nói riêng và hoạt động quản lý thị trường nói chung. Để xây dựng luật quản lý thị trường thì phải rất công phu và mất nhiều thời gian. Do đó, UB Thường vụ Quốc hội ban hành ngay pháp lệnh lúc này mới có thể đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Chúng tôi hi vọng sau khi pháp lệnh đi vào triển khai, hoạt động quản lý thị trường sẽ sớm được tổng kết đánh giá. Từ đó, hành lang pháp lý sẽ được chuẩn hóa và nâng lên thành luật. Dự kiến lộ trình này sẽ mất khoảng 3 năm. Luật quản lý thị trường mới là một cơ chế hoàn chỉnh cho hoạt động quản lý thị trường của một nền kinh tế hội nhập và phát triển.

– Xin cảm ơn ông!

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý:

Tránh ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh

Khi xây dựng Pháp lệnh này tôi đã đề nghị làm luật vì hoạt động quản lý thị trường liên quan đến quyền con người, quyền kinh doanh cho nên nếu làm không khéo sẽ vi phạm quyền con người, quyền kinh doanh đã được Hiến pháp 2013 quy định. Tôi tán thành với nội dung của Pháp lệnh nhưng đề nghị tiếp tục rà soát một số điểm, nếu không khi thực hiện rất dễ bị vi phạm các quyền của DN và người dân. Hoạt động nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường phải áp dụng làm sao cho có quy định cụ thể để không biến thành biện pháp điều tra, vi phạm quyền con người, do đó có thể phải rà soát thêm, hoặc làm rõ hơn những quy định đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu:
Bổ sung trách nhiệm giải quyết các kiến nghị

Chúng tôi đồng tình với những ý đề nghị cần quy định rõ về phạm vi và hình thức kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn, quy định rõ căn cứ ban hành quyết định kiểm tra, thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra, thời hạn thực hiện quyết định kiểm tra, thời hạn kiểm tra, việc tiếp tục tổ chức thẩm tra, xác minh để xem xét, kết luận vụ việc để bảo đảm quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Nguyên tắc kịp thời trong việc phối hợp của các cơ quan, tổ chức như lực lượng công an, mặt trận tổ quốc cũng cần được làm rõ trong pháp lệnh. Đồng thời bổ sung trách nhiệm giải quyết các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Anh Kết – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty cổ phần Thanh Hà:

Rút giấy phép kinh doanh nếu phát hiện hàng giả

Là một DN kinh doanh trong lĩnh vực chế phẩm sinh học phục vụ cho ngành nông nghiệp, DN chúng tôi đã từng bị vấn nạn hàng giả, nhái thương hiệu gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Bản thân DN tôi đã phải tự bảo vệ mình bằng cách đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, sản xuất và đặc biệt là chất lượng sản phẩm để những người làm hàng giả không thể giả được chất lượng của sản phẩm chân chính. Tôi cho rằng, nên chăng Pháp lệnh QLTT cần đưa thêm việc nếu phát hiện ra cơ sở kinh doanh nào kinh doanh hàng giả, hàng nhái có thể đình chỉ hoặc rút giấy phép kinh doanh. Tôi cho rằng điều này sẽ giảm thiểu được tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường khiến cả nhà quản lý và DN đau đầu. Mặt khác, cũng cần phải xử lý nghiêm nếu QLTT không tuân thủ đúng những quy định, chức năng nhiệm vụ của mình.

Q.Anh, Bá Tú ghi
Bá Tú thực hiện
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp