Phát triển loại hình du lịch tàu biển quốc tế tại Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù đã có một số chuyển biến nhất định và đang trở thành điểm đến của các hãng du lịch tàu biển quốc tế nhưng du lịch tàu biển nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng tàu biển và du khách bởi chưa có một chiến lược phát triển du lịch biển làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và giải pháp phát triển du lịch biển trong từng thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm phát huy tối ưu tiềm năng du lịch biển Việt Nam.
Phần lớn các cảng biển của nước ta là cảng hàng hóa, chưa có cảng hành khách phục vụ cho việc đón khách tàu biển. Nhiều tàu có tải trọng lớn không cập được bờ. Các trang thiết bị tại cầu cảng chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, dịch vụ tại cảng còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn du khách tàu biển. Các dịch vụ vui chơi giải trí và bán hàng phần nhiều mang tính tự phát dẫn đến tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Ðặc điểm của khách du lịch tàu biển là đi với số lượng đông, nhiều quốc tịch và đi tham quan theo nhiều chương trình riêng.
Trong khi đó, du lịch Việt Nam còn thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các du thuyền chất lượng cao cũng như một đội ngũ hướng dẫn viên sử dụng các ngoại ngữ ít thông dụng, ảnh hưởng đến việc bán tua trên tàu và thực hiện các chương trình tham quan cho khách tại Việt Nam. Ngay cả đội ngũ hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ thông dụng thì kinh nghiệm và kỹ năng vẫn còn hạn chế, trong khi đó, người hướng dẫn viên đóng vai trò rất quan trọng vào thành công của việc thực hiện các chương trình du lịch cho khách.
Sản phẩm du lịch vẫn đơn điệu, ít được đổi mới nên chưa hấp dẫn được khách du lịch; chất lượng dịch vụ như dịch vụ ăn uống, mua sắm, tham quan, giải trí tại cảng và tại nhiều điểm tham quan du lịch của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch tàu biển.
Một điểm yếu cần khắc phục là vấn đề hạn chế tốc độ trên các tuyến quốc lộ do tình hình an toàn giao thông và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng tới việc thực hiện các chương trình du lịch cho khách tàu biển. Do đó, nhiều hãng tàu biển đã hủy các chương trình tham quan đi đến các điểm du lịch ở xa cảng đến. Về vệ sinh, môi trường tại nhiều cảng và những điểm tham quan du lịch chưa được quan tâm nên tình trạng mất vệ sinh cũng tạo ra ấn tượng không tốt cho khách du lịch tàu biển khi đến Việt Nam.
Công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về du lịch biển Việt Nam trên thị trường quốc tế còn yếu và chưa chuyên nghiệp. Hầu như Du lịch Việt Nam chưa tham gia vào các hội nghị, hội chợ về du lịch tàu biển trên thế giới. Hình ảnh về du lịch biển Việt Nam trên thị trường du lịch tàu biển quốc tế còn mờ nhạt.
Ðể tăng cường thu hút khách du lịch tàu biển vào Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trong những điểm đến hàng đầu về du lịch tàu biển trong khu vực, cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch biển Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường thiết lập quan hệ với các hãng tàu biển lớn trên thế giới để thu hút sự quan tâm của họ tới Việt Nam và có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng, chào bán các chương trình du lịch tàu biển cho khách du lịch tới Việt Nam. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường khách du lịch tàu biển; tham gia vào các hội chợ về du lịch tàu biển trên thế giới, tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch biển lớn như Mỹ, Canada, Anh, Italia… để thu hút khách; nghiên cứu mở văn phòng đại diện du lịch tại Mỹ và một số nước Tây Âu nhằm hỗ trợ nghiên cứu thị trường và tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tàu biển tại những thị trường này; tăng cường quảng bá trên các kênh truyền hình lớn về du lịch biển Việt Nam; sản xuất các ấn phẩm về du lịch biển theo hướng chuyên nghiệp hơn.   
Theo các chuyên gia về du lịch tàu biển, Việt Nam cần tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống các cảng biển chuyên dụng dành cho việc đón khách du lịch tàu biển, có ga hành khách hiện đại với đầy đủ tiện nghi và dịch vụ cần thiết.
Một điểm quan trọng là quy hoạch tổng thể và chi tiết các điểm du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam theo hướng phát triển các khu du lịch biển cao cấp, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan, hệ thống dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí đa dạng, chất lượng cao, có đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, cởi mở và hiếu khách.
Phát triển các loại hình du lịch biển như lặn biển, lướt sóng, đua thuyền buồm, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch biển. Ðối với du khách đường biển cần có chính sách thị thực mềm dẻo, áp dụng chính sách miễn thị thực, kể cả với những khách đến bằng đường biển và xuất cảnh bằng đường không hoặc đường bộ. 
Ðể tạo một hệ thống dịch vụ vui chơi hấp dẫn thu hút du khách các ngành hữu quan cần kết hợp để có cơ chế khuyến khích phát triển các trung tâm mua sắm hiện đại tại các cảng biển du lịch cùng những dịch vụ nhà hàng, giải trí tại khu vực cảng. Ðặc biệt chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái biển tại các cảng biển và các điểm du lịch biển, bảo đảm nguyên tắc phát triển bền vững.

Ths. NGUYỄN ANH TUẤN
Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch
Nguồn: Báo Nhân dân