Phiên họp thứ sáu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khoá XIII: Làm thêm 360 giờ/năm là đề xuất của giới chủ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sẽ tái cơ cấu nền kinh tế

Kỳ họp thứ ba QH khoá XIII sẽ diễn ra từ ngày 21.5 – 22.6, QH dự kiến thông qua 13 dự án luật (Dự án Luật Đô thị chuyển sang năm 2013), 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật (nhưng thay Dự án Luật Đô thị bằng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế).

Theo dự kiến, ngay ngày đầu làm việc của kỳ họp thứ ba, dự kiến QH sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ trình đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Hội đồng Dân tộc và các UB của QH báo cáo thẩm tra về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp sẽ thông qua nghị quyết về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Thảo luận về các nội dung của kỳ họp sắp tới, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ phải báo cáo QH những vấn đề nóng trong xã hội được dư luận cử tri quan tâm. Việc Bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ và phí vào nội đô hiện có nhiều ý kiến. Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị Chính phủ cần báo cáo QH, vì hiện nay cử tri cả nước rất quan tâm. ĐB Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN – cho biết, mặt trận đã chính thức đề nghị Bộ GTVT gửi đề án thu phí sang để mặt trận tổ chức phản biện. 

Phải giám sát thang bảng lương của doanh nghiệp

Về Dự thảo Bộ luật LĐ (sửa đổi), sau khi UB về các Vấn đề xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo vẫn trình hai phương án về làm thêm giờ của người LĐ (Điều 104), theo đó phương án 1 được làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm; phương án 2 không quá 200 giờ/năm, nhưng trường hợp đặc biệt cho phép tới 360 giờ/năm.

ĐB Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – đã thẳng thắn phản đối việc người LĐ có thể phải làm thêm giờ tới 360 giờ năm. ĐB Đặng Ngọc Tùng khẳng định: “Đây là đề nghị của giới chủ sử dụng LĐ thôi. Ý kiến của CĐ là nên quy định về làm thêm giờ như hiện tại”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Bảo vệ giới chủ và bảo vệ người LĐ phải công bằng”. Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai cho biết: “UB Thường vụ QH đã tán thành phương án 1 không tăng thêm thời gian làm thêm giờ của người LĐ”.

Một vấn đề nữa được Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng băn khoăn là dự thảo bỏ sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với thang – bảng lương của doanh nghiệp. Thang – bảng lương, định mức lao động đều do DN tự quyết định sẽ dẫn đến giới chủ định mức LĐ cao khiến lương của người LĐ giảm đi. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhìn nhận: “Đây là nguyên nhân để công nhân đình công”.

Vấn đề đình công và giải quyết đình công trên cơ sở góp ý của Tổng LĐLĐVN và các cơ quan, tổ chức, đã được Dự thảo Luật sửa đổi Bộ luật LĐ chỉnh lý khái niệm đình công bao quát hơn, khẳng định chỉ cho phép tiến hành đình công đối với các tranh chấp LĐ tập thể về lợi ích; quy định rõ quyền tổ chức và lãnh đạo đình công của tổ chức CĐ. Hướng đi của dự thảo góp phần thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức CĐ tập hợp người LĐ tại các DN để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đã hoan nghênh việc tăng cường đối thoại trong DN, coi đây là căn cứ quan trọng để người sử dụng LĐ và người LĐ xây dựng quan hệ LĐ hài hòa.

Một vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là quyền tuyên hợp đồng LĐ vô hiệu, theo Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện, quy định thẩm quyền tuyên hợp đồng LĐ vô hiệu thuộc thanh tra LĐ như dự thảo là chưa hợp lý. Thực tế thị trường LĐ hiện nay có nhiều LĐ nước ngoài, bên cạnh đó chỉ có tòa án mới giải quyết được hậu quả của việc tuyên hợp đồng LĐ vô hiệu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai lý giải, người LĐ không phải ai cũng tìm đến được tòa án. Có những vấn đề tiến bộ nhưng chưa thể đưa ngay vào luật vì chưa phù hợp với thị trường LĐ hiện nay.

Nguồn: Báo Điện tử Lao động