Phân biệt đối xử đang giảm dần?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đứng xa mà nhìn

Chuyện PGS.TS. Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương) thống kê những thiệt thòi, bất bình đẳng của các DNTN phải chịu trong việc tiếp cận các điều kiện kinh doanh, tại một cuộc hội thảo về vấn đề này cách đây chưa lâu, vẫn còn được nhiều người tham dự nhớ đến.

Ông Thắng dẫn ra việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DNTN lâu nay khó thế nào. Loại trừ vấn đề lãi suất cao như hiện nay đang làm khó tất cả các doanh nghiệp, so với khối DNNN, cửa tiếp cận vốn của DNTN không hề dễ mở. Muốn vay được vốn, DNTN phải có bảng cân đối tài chính lành mạnh, phải có đủ tài sản thế chấp, phải là khách hàng truyền thống, phải có dự án khả thi theo đánh giá của ngân hàng.

“Ai cũng biết những tiêu chí này thường vượt trên khả năng thực tế của các DNTN”, ông nói. Do vậy, nhiều đề nghị vay vốn cho những đề án khả thi của DNTN vẫn bị ngân hàng từ chối vì đó là doanh nghiệp nhỏ, chưa phải là khách hàng truyền thống, không đủ tài sản thế chấp.

Trong khi đó, việc định giá giá trị tài sản của ngân hàng đối với tài sản của DNTN thường rất thấp và cũng chỉ cho vay khoảng 50-60% giá trị tài sản thực. Tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của DNTN đã nan giải, cửa trông chờ vào nguồn vốn nhà nước trong các chương trình đầu tư công lại càng khó hơn. “Thậm chí là không tưởng”, theo ông Thắng.

Trong khi các DNNN thì sao? Đó là sự ưu ái, kể cả bất chấp tính hiệu quả khi sử dụng các nguồn vốn nhà nước này. Ông Thắng dẫn ra ví dụ: dự án phân bón DAP của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là tập đoàn Hóa chất) được khởi công từ năm 2002 và mất hơn bảy năm (đến tháng 4-2009) mới cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên. Dự án thép Cái Lân của Vinashin sau tám năm (từ năm 2002-2010) mới bắt đầu đi vào hoạt động và vẫn còn trong tình trạng dở dang của giai đoạn 1 (đầu tư bằng trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành). Vậy mà chủ đầu tư đã đề nghị Nhà nước cấp thêm vốn qua các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại nhà nước để nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm, trong khi cả nền kinh tế đang dư thừa năng lực về thép.

“Nếu một DNTN nào bỏ tiền của mình để đầu tư chắc chắn không thể chịu đựng lãi vay ngân hàng mà bất chấp hiệu quả trong suốt 7, 8 năm như các DNNN”, ông Thắng nhận định.

Trong khi đó, từ lâu các DNTN chỉ dám “đứng nhìn” nguồn vốn ODA chảy vào các DNNN, mặc dù về hình thức không có văn bản nào ngăn trở việc tiếp cận của họ. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, giai đoạn 2006-2010, cam kết vốn ODA đạt 23,85 tỉ đô la Mỹ và mức giải ngân cho nguồn vốn rẻ này cũng đạt xấp xỉ 13 tỉ đô la. Cách duy nhất DNTN có thể hấp thu một phần trong nguồn vốn này là trở thành các nhà thầu phụ, làm thuê cho khối DNNN – nơi được rót vốn trực tiếp.

Giữa tháng 4 vừa qua Chính phủ mới có văn bản chính thức yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 131/2006/CP về quản lý và sử dụng vốn ODA. Theo đó, sẽ có cơ chế phân bổ lại dòng vốn này, cho phép DNTN tiếp cận vốn vay ODA và các khoản vay khác từ nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên của Chính phủ. Nhanh nhất đến cuối năm nay, nghị định này mới xong và lúc đó, việc tiếp cận với vốn ODA của DNTN có thể trở nên thuận tiện hơn.

Nói như thế không phải là từ trước đến nay chưa có DNTN nào vay được vốn ODA. Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Phát (Kinh Môn, Hải Dương) đã vay được 319 tỉ đồng vốn ODA của Chính phủ Nhật qua thẩm định của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và giải ngân qua Ngân hàng Phát triển (VDB), nhờ sử dụng công nghệ sản xuất sạch và tái tạo năng lượng. Lãi suất vay 9,6% năm với thời hạn vay 15 năm là một điều kiện lý tưởng mà nhiều DNTN trong nước mong muốn. Vấn đề làm sao để trường hợp vay được vốn ODA nói trên trong thời gian tới không phải là chuyện đặc biệt đối với các DNTN nữa.

Lĩnh vực thương mại cũng chưa bình đẳng

Trong lĩnh vực thương mại, vốn đã được mở cửa từ lâu, liệu rằng khối DNTN đã được bình đẳng hoàn toàn với DNNN hay chưa?

Cách đây năm năm, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Nghị định số 12/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán… hàng hóa với nước ngoài. Văn bản này cho phép thành phần kinh tế tư nhân được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, trừ danh mục hàng cấm và trừ hai mặt hàng đặc thù mà DNNN độc quyền kinh doanh xuất nhập khẩu là xăng dầu và thuốc lá. Như vậy, về cơ chế chính sách xuất nhập khẩu hiện không còn quy định nào hạn chế đối với DNTN.

Nhưng thực tế diễn ra không phải vậy. Lấy ví dụ về xuất khẩu gạo, khi phân tích hệ quả can thiệp chính sách với các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu gạo mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt hàng DEPOCEN thực hiện hồi tháng 1-2011, cho thấy rằng thị trường kinh doanh, xuất khẩu gạo đã bị biến dạng do các chính sách tác động. Cụ thể, hàng trăm doanh nghiệp ngoài quốc doanh muốn có hạn ngạch xuất khẩu gạo theo hợp đồng nhà nước phải được sự cho phép của Hiệp hội Lương thực (VFA), đăng ký giá. Người đứng đầu hiệp hội đồng thời lại là lãnh đạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam, một trong hai DNNN có rất nhiều các công ty con áp đảo, đặc quyền chi phối thị trường xuất khẩu gạo.

Người này được, người khác cũng được

Khi bàn về chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung lại quay lại câu chuyện về vấn đề bình đẳng kinh doanh cho DNTN. Ông cho rằng, trong ba năm gần nhất, doanh nghiệp nói chung, nhất là DNTN đã phải chống chọi rất vất vả với lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và hệ quả của nó. Phản ứng của họ thường là thu hẹp sản xuất, giảm đầu tư trung và dài hạn, cầm cự để duy trì việc làm cho công nhân và chịu mức lợi nhuận ngày càng giảm, hạn chế lỗ. Để chặn lạm phát và nâng cao hiệu quả đầu tư công, ông yêu cầu kiên quyết giám sát và thắt chặt đầu tư đối với DNNN, nơi đang tăng trưởng gần như từ nguồn tín dụng ngân hàng. “Hệ số đòn bẩy tài chính của DNNN chắc là cao và đang tăng, nếu không giám sát chặt sẽ tổn thương cho toàn nền kinh tế”, ông Cung nói.

Một trong số các điều kiện được đề cập là phải có môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phải người này được, người khác mất. Ví như quy hoạch, chiến lược nhiều ngành công nghiệp không thể mặc nhiên trở thành quy hoạch, chiến lược phát triển của DNNN trong ngành đó. Hậu quả của nó là về mặt pháp lý, tuy DNTN có quyền tự do kinh doanh nhưng dư địa cho họ phát triển có thể bị thu hẹp tương đối. Ông Cung phân tích: “Thực trạng này là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó sự méo mó, lỗi thời và bất hợp lý của hệ thống hỗ trợ và khuyến khích đầu tư, của lối tư duy phân biệt theo thành phần kinh tế trong tổ chức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và kinh doanh”. Điều đó có dần được loại bỏ?

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online