Phòng, chống dịch phải đồng bộ 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine AstraZeneca lưu hành tại Việt Nam do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 được coi là một tin tốt lành để ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là chúng ta phải chủ động phòng ngừa, xác định trúng ổ dịch để có biện pháp xử lý đồng bộ, kịp thời.

Sau một thời gian tạm lắng, thì ngày 27.1 Covid-19 đã quay trở lại, với sự xuất hiện của một số ca trong cộng đồng. Tính đến nay, Việt Nam có 301 ca lây nhiễm trong cộng đồng; đáng lưu tâm là số ca mắc nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Điều này cũng gây khó khăn cho việc truy xét và khoanh vùng dập dịch. Trong lúc này, thông tin về vaccine đối với dịch Covid-19 đã tạo một tâm lý yên tâm phần nào đối với người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã ký trên nguyên tắc với Công ty sản xuất vaccine AstraZeneca của Anh, theo đó, trong năm 2021 sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Tuy nhiên, vaccine bước đầu dùng cho cán bộ y tế – những người trực tiếp làm công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao và cán bộ ngoại giao… Dự kiến đến cuối 2021, đầu 2022 sẽ có vaccine “made in Vietnam”.

Như vậy, dù là tin tích cực nhưng vaccine chưa thể coi là biện pháp cứu cánh đối phó với Covid-19 vào lúc này bởi nguồn cung chưa bảo đảm nên đối tượng được tiêm chủng cũng rất hạn chế. Việc cung cấp đầy đủ vaccine cho mọi người dân lúc này là điều không thể. Điều cần làm lúc này là nâng cao ý thức phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, trước tiên từ ý thức của mỗi người dân.

Thực tế cho thấy, để ứng phó với dịch bệnh, thì sự chủ động, vào cuộc sớm mới thực sự là phương án hiệu quả. Theo đó, chúng ta phải xác định đúng ổ dịch để tập trung khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn kịp thời dịch lây lan. Các lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt nguồn lây từ bên ngoài và cả bên trong. Muốn vậy, phải kiểm soát chặt nguồn lây từ các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các đối tượng nhập cảnh trái phép. Phải xử lý thật nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về nhập cảnh, cách ly trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra cũng phải xử lý nghiêm các lực lượng có thẩm quyền trong việc để xảy ra những trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch bùng phát, những ngày qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt với biện pháp kịp thời như: Tăng cường lực lượng chuyên môn đến các điểm nóng về dịch, khoanh vùng ổ dịch, truy vết, xét nghiệm diện rộng. Một số địa phương đã có biện pháp xử lý kịp thời như thực hiện giãn cách, tạm dừng một số hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng qua, (2.2), đề cập đến các biện pháp ứng phó với Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện quyết liệt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh, để bảo đảm an toàn cho bản thân, cho cộng đồng, ngoài chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, và các biện pháp xử lý cứng rắn vi phạm phòng chống dịch, rất cần ý thức chủ động của mỗi người dân. Chúng ta không được hoang mang trước dịch bệnh nhưng cũng không được phép chủ quan, lơ là. Bởi nếu không có biện pháp nhanh, mạnh, kịp thời thì sẽ không thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, “mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi thôn, bản, xóm làng, tổ dân phố là một pháo đài” trên mặt trận chống dịch Covid-19, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh.