Pháp luật về bầu cử: Quy định và thực thi 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 kỳ bầu cử và cùng với đó là nhiều kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp, pháp luật về bầu cử ở nước ta theo đó từ Hiến pháp – văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất đến các luật, văn bản hướng dẫn ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ bản chất của Nhà nước “quyền lực thống nhất thuộc về Nhân dân”. Chính điều này đã góp phần tạo dựng nên những kỳ bầu cử dân chủ, đoàn kết, thực chất và thành công.

Bài 1: Tổng tuyển cử 1946 – Kỷ nguyên mới của dân tộc

Đã qua nhiều kỳ bầu cử, song những ký ức về kỳ bầu cử đầu tiên – năm 1946 đối với nhiều người vẫn còn vẹn nguyên. Đó là một cuộc bầu cử điển hình, là ngày hội của toàn dân khi lần đầu tiên thoát ách nô lệ, được cầm trên tay lá phiếu đi bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Tổng tuyển cử 1946 thực sự đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

Cho một nền dân chủ non trẻ

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 2.9.1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù, sự kiện Vua Bảo Ðại thoái vị ngày 30.8.1945 có ý nghĩa chính quyền cách mạng đã được thừa nhận, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng, Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Đặc biệt, Tổng tuyển cử sẽ bảo đảm tính hợp pháp, tính chính thống của bộ máy nhà nước: “Nhà nước hợp pháp ra đời, tư cách của nó, vị trí của nó trên thế giới, trong nước hoạt động có danh nghĩa, có hiệu lực và hiệu quả hơn một Chính phủ lâm thời”. 

<img alt="Nguồn: ITN" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu đại biểu ở phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ).
Nguồn: ITN

Sau khi quyết định tổ chức Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã khẩn trương xây dựng và ban hành hàng chục sắc lệnh để cuộc Tổng tuyển cử bảo đảm tự do, dân chủ: Ngày 8.9.1945, Sắc lệnh đầu tiên về bầu cử được ban hành (SL số 14) chính thức ấn định sau 2 tháng sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 26.9.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành tiếp Sắc lệnh số 39 về lập một Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Chỉ trong vòng 1,5 tháng, Ủy ban này đã soạn thảo xong bản dự thảo.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng.

Trích Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Hồ Chí Minh toàn tập – tập 4

Tiếp đó, ngày 17.10.1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 51 về thể lệ Tổng tuyển cử, kèm theo Sắc lệnh này là Bảng ấn định số đại biểu các tỉnh và thành phố được bầu. Ngày 2.12.1945, Chính phủ ban hành tiếp Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử; bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh. Ngày 18.12.1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 76 quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6.1.1946 (Sắc lệnh 51 ngày 17.10.1945 trước đây định tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 23.12.1945).

Cũng cần phải nói thêm rằng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, một số người lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ “không có kết quả”, vì e rằng trình độ Nhân dân lúc bấy giờ quá thấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào Nhân dân và khẳng định: Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Người tin rằng Tổng tuyển cử nhất định thành công.

Nhìn những vấn đề trên ở góc độ xây dựng pháp luật, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Đây là một cuộc bầu cử thực sự tự do, dân chủ, được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, kín, những nguyên tắc bầu cử chuẩn mực của thế giới đương đại. Những tiêu chí mẫu mực trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã được Hiến pháp 1946 kế thừa “Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín” (Điều 17). Một chế độ bầu cử tự do, tiến bộ với những chuẩn mực điển hình sẽ là tiền đề để nhân dân Việt Nam kiến tạo một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng chục vạn cử tri đi làm nghĩa vụ công dân. Người đã đi bầu đại biểu ở phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác

Theo Báo Cứu quốc, số ngày 7.1.1946

Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, với quy định “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra – Điều 20, Hiến pháp 1946 – đã thể hiện bầu cử tự do, dân chủ là tinh thần chi phối chế định bầu cử – những quy định thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền và dân chủ”.

Sức mạnh của niềm tin

Vượt qua bao khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I đã diễn ra trong cả nước, kể cả tại các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cuộc bầu cử đã thành công vượt mong đợi với tỷ lệ cử tri đi bầu cao. Tại Hà Nội, 91 – 95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ; 6/74 ứng cử viên của Hà Nội trúng cử ĐBQH, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

	Báo Quốc hội đưa tin về Tổng tuyển cử 1946 Nguồn: ITN
Báo Quốc hội đưa tin về Tổng tuyển cử 1946
Nguồn: ITN

Trong bài báo “Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 – Một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ” đăng tải trên Báo Nhân dân, số ra ngày 8.12.2005, cố GS. Lê Mậu Hãn đã viết “Cuộc vận động và tuyên truyền về bầu cử và ứng cử diễn ra sôi nổi và phong phú khắp cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các báo Cứu Quốc, Sự Thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, thông tin về Tổng tuyển cử trong cả nước và đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Ðặc biệt, tờ Nhật báo Quốc hội chỉ ra trong thời kỳ Tổng tuyển cử nhằm mục đích nêu rõ giá trị của cuộc Tổng tuyển cử, giới thiệu khả năng, thành tích và chương trình của những người ứng cử. Danh sách những người ứng cử ở các tỉnh, thành phố… được công bố công khai để Nhân dân tự do lựa chọn”.

Là một trong những cử tri được hưởng dụng quyền bầu cử trong kỳ bầu cử đầu tiên năm 1946, cụ ông Bùi Văn Hòa (92 tuổi), thôn Đông Khê, Đan Phượng, Hà Nội xúc động nhớ lại thời khắc ngày Tổng tuyển cử cách đây hơn 75 năm: “Sau nhiều năm đất nước bị nô lệ, cai trị nên khi được giải phóng nhân dân phấn khởi lắm. Tôi còn nhớ như in ngày bầu cử năm đó – năm 1946, ngày đó thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng không khí náo nức, ai ai cũng vui mừng dậy từ rất sớm, chọn cho mình bộ quần áo lành lặn nhất, đẹp, tinh tươm nhất, đầu tóc chải gọn gàng, và cầm lá phiếu trên tay, vui vẻ và trật tự xếp hàng đi bỏ phiếu chọn lựa những người xứng đáng bầu vào Quốc hội.”

Sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử mang tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng đấu tranh đòi độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội của Nhân dân ta. Nhờ sự thành công ấy, Quốc hội trở thành cơ quan chính danh được Nhân dân bầu ra. Từ đó, Quốc hội cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng vào quyền làm chủ của Nhân dân.

“Những quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ: Nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ. Hầu hết những quy định này của các sắc lệnh là có hiệu lực trực tiếp, có thể thực hiện được ngay, không cần phải chờ đợi những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đây chính là điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho pháp luật bầu cử sớm đi vào cuộc sống, để chúng ta có thể tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 sau hơn 4 tháng nước nhà giành được Độc lập.

     PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội