Phục hồi sinh kế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Canh giữ con lợn 80 kg trong năm ngày lũ về, bà Vưng sụt ba cân.

“Lợn sổng chuồng là nó phá lắm. Tôi phải canh suốt năm ngày, đêm cũng không dám ngủ”, bà Nguyễn Thị Vưng ở thôn Cao Ban, xã Phong Hiền, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế phân trần với tôi.

Lũ về, người phụ nữ ngoài 50 lo nhất cho con lợn mẹ và bốn con lợn con mới đẻ. Bà dắt nó lên tầng hai nhà em trai gần đó, tay lăm lăm cái gậy để canh chừng. Quần áo ẩm ướt suốt mấy ngày, hôi hám, bà cũng không dám thay.

Con lợn không phải vừa. Nó húc vào bắp tay trái bà, mấy hôm sau vẫn còn đau. Đùi phải của bà bị nó ngoạm, sẹo đang tróc vảy. Bù lại, sau đợt lũ thứ nhất từ ngày 9 đến 13/10, bà bảo toàn được tài sản lớn nhất trong nhà.

Con lợn đó bà đã chăm bẵm cả năm trời, đang cố gắng nuôi nái, một khi thành công nó chính là giải pháp tài chính giải quyết được vấn đề học phí của con gái bà. Con gái bà Vưng đang học năm đầu một trường cao đẳng ở Đà Nẵng. Mỗi tháng người mẹ phải kiếm được 1,5 triệu đồng chu cấp cho con và 6 triệu học phí mỗi kỳ. Khoản tiền thực sự là gánh nặng.

Từ năm đứa con học lớp 10, bà đã hay bảo: “Con nghỉ học đi làm, chứ mạ nuôi con không nổi”. Cô bé xin: “Mạ cho con đi học lấy cái nghề để sau này đời con không khổ như đời mạ”.

Không đành lòng, bà Vưng lại gắng sức bằng 1,5 sào ruộng, trồng hoa màu và làm thuê cuốc mướn. Tháng 10 hàng năm bà vào Tây Nguyên thu hoạch cà phê, khoai mỳ cho người ta. Năm nay kiếm việc khó khăn. Đầu năm trên địa bàn gặp dịch tả lợn. Bà Vưng nhận đi chôn lợn cho người ta. “May sao trời thương, con lợn của tôi không lây”, bà nói.

Nhưng bà Vưng không giữ được 1,2 sào sắn cùng vài con gà. Nước lũ làm thối ruộng sắn sắp đến ngày thu hoạch. Mọi hy vọng về sinh kế và tương lai của hai mẹ con giờ đây dồn lên lưng con lợn nái.

Khi gặp tôi ở sân trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Phong Hiền, nhận phần quà của độc giả VnExpress trao tặng, bà Vưng vừa quyệt mắt vừa kể về con lợn và đàn gà. Nước đã rút, người dân huyện Quảng Điền đang tái ổn định cuộc sống sau hai tuần ngập lụt. Bà và con lợn vẫn ở nhờ nhà người em, chưa dám về nhà mình. Căn nhà cấp bốn xây gần 20 năm đã nứt vách nẻ tường sau những mùa lũ đến hẹn lại lên. Năm nay, nước ngập đến cổ, sau nhiều ngày người và nhà dầm nước, bà Vưng chỉ sợ tường sập: “Mai mốt bão lại vào nên tôi vẫn chưa dám về”.

Ở những xã chúng tôi đi qua, thuộc ba huyện ngập nặng nhất của Huế, người người đang dựng lại nhà, dựng lại cả tinh thần chính mình.

Trận lũ này cuốn trôi gần như tất cả “hy vọng” của bà Lê Thị Sinh, 51 tuổi, ở thôn La Vần, xã Phong Hiền. Đó là 200 con gà, hai con lợn, ba sào sắn, 1,5 sào khoai lang.

Ba năm trước, con trai bà Sinh đột ngột qua đời, con dâu thì làm ăn xa. Từ lúc ấy bà lăn lộn đủ việc để nuôi hai đứa cháu nội. Đứa nhỏ mới đang học nói, đứa lớn chưa vào lớp một. Chồng bà sức khỏe kém, làm thuê nhưng việc không ổn định, bà Sinh là lao động chính trong gia đình.

Lụt năm nay ai dè trầm trọng thế. Bà với chồng đưa ba cháu nội và ngoại cùng đồ đạc, thóc lúa lên căn gác lửng. Sáu con lợn con, mỗi con chừng 15 kg, được bà cho vào rọ, treo lên gác nhà. Mưa gió lớn cuốn trôi mất một con, một con ốm chết. Đàn gà 200 con cũng bị cuốn sạch. Ba đứa cháu khóc đòi mẹ. Thấy hàng xóm thả lưới đánh cá, chúng lại khóc đòi bố. Thấy nước lũ dâng lên, chúng bảo bà: “Mệ đem bát nhang của bố con lên đây đi”. Xót cháu, xót của bị mất, bà Sinh ngoảnh đi gạt nước mắt.

Giờ bà đang lo khoản nợ tiền bột tăng trọng của đàn lợn gà, lo bỉm sữa cho mấy đứa cháu. Mỗi ngày bọn trẻ tốn khoảng 100 ngàn đồng tiền bỉm sữa và thức ăn. Bà cũng mong được hỗ trợ phần nào mua lại con giống, hoa màu để tái thiết sinh kế.

Tại xã Phong Xuân, bên cạnh trồng lúa, bà con có thêm nghề trồng cây lâm nghiệp. Song, bão số 5 hồi giữa tháng 9 vừa quật ngã những rừng tràm, rừng keo. Lũ tháng 10 tiếp tục làm chết nốt những rừng cây con. Toàn bộ địa bàn xã Phong Hiền với hơn 2.000 hộ dân bị ngập sâu và dài ngày. 250 hecta sắn, 27 hecta kiệu, 25 hecta mía và 15 hecta các loại rau màu khác tan tành theo lũ. “Không còn cái gì nữa rồi”, ông Nguyễn Sĩ Hiệp, chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Phong Hiền nói. Ông bảo xã đang phát động bà con nhanh chóng làm vụ ngắn ngày, ví như đậu tương, hành kiệu để họ có nguồn thu vào đầu năm tới.

Chúng ta đang xôn xao chuyện cứu trợ, nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện thiên tai. Tái thiết sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân miền Trung đang đặt ra như bài toán lớn của một năm rất nhiều biến cố.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD – tương đương 0,5% GDP – và 316.000 việc làm bị mất đi do lũ lụt ven sông và ven biển Việt Nam.

Trong bối cảnh này, tôi tìm lại khái niệm “vốn xã hội”. Các nhà kinh tế học coi vốn xã hội là một nguồn lực rất quan trọng của quốc gia. Nó được hiểu là sự hợp tác hai chiều và nhiều chiều của các thành viên trong xã hội, là sức mạnh của sự nối kết giữa những con người trong một cộng đồng, đất nước, là các giao dịch qua lại trong sự tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi. Vốn xã hội được hiểu là một dạng tài nguyên quốc gia. Việc người Việt Nam ở mọi nơi đang chung tay hướng về đồng bào miền Trung những ngày này là một biểu hiện của nguồn vốn xã hội tại Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới cho rằng vốn xã hội giúp toàn cộng đồng phối hợp một cách tự nguyện và thậm chí rất ăn ý, vì dựa trên mục tiêu chung, nó giúp giải quyết hiệu quả những bài toán tập thể. Thiên tai tại miền Trung chính là một bài toán tập thể mà ở đây, sự cộng hưởng của cộng đồng với sự điều phối của chính quyền có thể khơi thông tốt nguồn vốn xã hội ta đang có.

Và hậu thiên tai những này tới đây chính là dịp để điều chỉnh các chính sách vĩ mô. Trong đó nhà chức trách giỏi sẽ biết nên thúc đẩy giá trị nào và giảm bớt các rào cản chính sách nào để giúp mọi người tăng cường sự khoan dung và tin tưởng lẫn nhau, giúp hàn gắn vết thương do thiên tai để lại.

Một kế hoạch tái thiết trên diện rộng kịp thời và hợp lý sau lũ cho những người dân như bà Vưng, bà Sinh sẽ giúp GDP và hàng triệu đồng bào miền Trung bớt tổn thương, hình thành tầm nhìn phát triển bền vững cho quốc gia.

Phan Dương