PTT Trương Vĩnh Trọng: Các cơ quan TW phải thực sự gương mẫu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các đại biểu đại diện cho các ban của Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng và lãnh đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thảo luận và nhất trí với các nội dung chủ yếu cần phối hợp giữa các bên về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Cụ thể, các ban của Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng kịp thời thông báo khi phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng hoặc có liên quan đến tham nhũng trong cơ quan tổ chức của mình với Ban Chỉ đạo Trung ương. Phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai công tác phòng chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực: tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các quy định và các văn bản phục vụ công tác phòng chống tham nhũng; kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng…

Phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên và theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, hàng năm về công tác phòng chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ động thành lập các đoàn công tác có sự tham gia của các ban Đảng và Văn phòng Trung ương để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng; phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện để giúp Bộ Chính trị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương III (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng vào cuối năm 2008 và báo cáo kết quả tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương.

Phối hợp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ các ban của Đảng và Văn phòng Trung ương. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (trực tiếp là Văn phòng Ban Chỉ đạo) phân công cán bộ nắm tình hình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng ở các ban của Đảng và Văn phòng Trung ương một cách toàn diện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị các các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và có những ý kiến đóng góp thêm cho các nội dung cần phối hợp nêu trên, nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, đối với công tác phòng chống tham nhũng, trong thời gian tới, ngoài việc “phòng” là chính, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác “chống”.

Về các vụ án lớn, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết, các vụ án còn lại trong số các vụ án nghiêm trọng, nổi cộm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý năm 2006 sẽ được đưa ra xét xử vào cuối năm 2007 như vụ án Điện kế điện tử, vụ Nguyễn Đức Chi, vụ Nguyễn Lâm Thái; đối với các vụ án mới được phát hiện gần đây đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ để sớm đưa ra xét xử. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng nhấn mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác này. Trước hết, “các cơ quan trong khối Trung ương phải thực sự gương mẫu trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ.

Nguồn: Website Chính phủ