QH thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quảng cáo: Nên có chính sách khuyến khích quảng cáo các nội dung ích nước lợi dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp): Cần bổ sung quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm quảng cáo

Khoản 1, Điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo có nội dung về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động quảng cáo. Tôi nhất trí với nội dung này nhưng đề nghị bổ sung thêm nội dung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm quảng cáo vì hiện nay rất nhiều cử tri bức xúc và thậm chí bất bình với việc một số nội dung quảng cáo của tổ chức, cá nhân về khả năng điều trị một số bệnh, một số sản phẩm hàng hóa, thức ăn gia súc… gây hoang mang trong người dân về những sản phẩm quảng cáo có đúng như quảng cáo không hay lại tiền mất tật mang. Cử tri rất lo lắng về vấn đề này, nhất là những cử tri ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn… Tôi đề nghị bổ sung thêm để khẳng định rõ hơn chính sách của Nhà nước bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm quảng cáo. Nội dung này cũng được thể hiện trong những hành vi cấm sử dụng trong quảng cáo, quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Chúng ta có thể rà soát, bổ sung thêm những hành vi cấm để người dân thêm sự tin tưởng.

ĐBQH Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ): Xác định tiêu chí cụ thể của các vi phạm về quảng cáo để thống nhất xử lý

Điều 9 về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo có đưa ra danh mục gồm 16 hành vi cấm nhưng một số quy định chưa cụ thể, không có tiêu chí để xác định vi phạm nên dễ bị chi phối bởi nhận thức cá nhân của từng người. Ví dụ ở Khoản 3 quy định: quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tương tự như vậy ở Khoản 14 là cấm các quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hay sự phát triển bình thường của trẻ em. Làm sao chúng ta xác định được yếu tố như thế nào là thiếu thẩm mỹ hay không hoặc hành động như thế nào là trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, vì nhận thức về thẩm mỹ và giá trị đạo đức của mỗi người là khác nhau.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, có rất nhiều ý kiến phản ánh đối với các chương trình trên báo đài, trong đó có chương trình quảng cáo, nhiều diễn viên trong các chương trình này ăn mặc rất phản cảm mà theo ý kiến của cử tri là ô nhiễm văn hóa mặc hoặc có những cử chỉ gây tác động xấu đến giáo dục trẻ em. Cụ thể như trong một chương trình quảng cáo sữa thì cô giáo cười cợt khi một học trò của mình vì quá ốm nên bị tụt trang phục khi lên bảng. Do vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu làm rõ các tiêu chí để xác định vi phạm hoặc đưa các tiêu chí xác định này vào văn bản hướng dẫn thi hành luật để việc xử lý vi phạm kịp thời, đồng bộ và khách quan.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre): Quy định chặt chẽ ngay trong Luật kiểm soát được hoạt động quảng cáo trên các kênh truyền hình trả tiền

Khoản 2, Điều 23 quy định thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, từ kênh chương trình chuyên quảng cáo. Quy định này, theo tôi chưa hợp lý vì: thứ nhất, hoạt động của truyền hình trả tiền tại nước ta đang phát triển không ngừng về số lượng nhà mạng và số lượng các kênh cung cấp. Hiện tại hơn 70 kênh truyền hình trả tiền tự sản xuất và hơn 50 kênh truyền hình nước ngoài mà các nhà mạng cung cấp. Song, chất lượng sóng phát và chất lượng nội dung chương trình thì chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả xem chương trình. Hơn 80% chương trình phát sóng trên các kênh truyền hình trả tiền không phải là tự đầu tư sản xuất mới mà là chương trình cũ, thu lại từ các kênh truyền hình quảng bá. Hệ lụy của vấn đề này là đi ngược lại định hướng phát triển của ngành truyền hình buộc người xem đài vừa nuôi các mạng truyền hình, trả tiền bằng tiền thuế của chính mình, vừa trả tiền mua sản phẩm cũ chất lượng không bảo đảm qua thuê bao gây lãng phí cho Nhà nước và xã hội, không tạo được trọng điểm đầu tư cho ngành truyền hình phát triển và tạo ra kẽ hở, mượn hạ tầng truyền hình của Nhà nước đầu tư để kinh doanh thu lợi. Thứ hai, dựa vào lợi thế kinh doanh độc quyền đầu tư rất ít cho phát triển và sản xuất chương trình mới, thu lợi từ tiền thuê bao hàng tháng từ xem đài và thu lợi rất lớn từ quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo, theo số liệu chúng tôi nắm được thời gian qua là trên 1.500 tỷ đồng nhưng đầu tư lại cho xây dựng chương trình và sản xuất chương trình mới không đáng kể. Thứ ba, một nguyên tắc hoạt động của truyền hình trả tiền trước là phải lấy doanh thu từ thuê bao làm nguồn thu chủ yếu chứ không thể mượn danh truyền hình trả tiền để vừa thu thuê bao vừa kiếm lợi từ quảng cáo. Do vậy, Luật Quảng cáo phải cân nhắc vấn đề này và quy định phù hợp, chặt chẽ để kiểm soát được hoạt động quảng cáo trên các kênh truyền hình trả tiền.

Từ những lý do trên, tôi đề nghị điều này quy định thêm nguyên tắc quảng cáo của truyền hình trả tiền. Cụ thể là: các quảng cáo không được chen ngang chương trình làm ảnh hưởng đến việc thưởng thức của khán giả; các quảng cáo chỉ được phát trước hoặc sau chương trình với tỷ lệ thời lượng có giới hạn so với các kênh truyền hình quảng bá khác. Do đó, đề nghị chỉnh sửa Khoản 2, Điều 23 lại như sau: thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 3% tổng thời lượng chương trình phát sóng 1 ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh chương trình chuyên quảng cáo, nghĩa là tương đương 42 phút quảng cáo trên 24h và mỗi lần quảng cáo không quá 2 phút.

ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Nên có chính sách khuyến khích quảng cáo các nội dung “ích nước lợi dân”

Dự thảo Luật Quảng cáo đã quy định ranh giới rất rõ ràng giữa các hành vi cấmcho phép. Nhưng tôi thấy còn một đoạn nữa trong tất cả các loại chính sách của chúng ta giống như một bậc cầu thang, có nghĩa là cấm, cho phép và một đoạn giữa là hạn chế. Trong luật này, chúng ta không có nguyên tắc đó, do đó những mặt hàng nào không cấm sẽ dẫn đến tình trạng  quảng cáo tràn cung mây. Tôi đề nghị bổ sung thêm một điều quy định về hạn chế quảng cáo, tức là, phải có một điều định nghĩa về hạn chế quảng cáo. Hạn chế về thời điểm nghĩa là tối, đêm hay ngày, hạn chế về thời lượng nghĩa là một hay nhiều lần trong một ngày và mỗi lần không quá 1 hay 2 phút, hạn chế về địa điểm nghĩa là hạn chế ở những chỗ nào cấm như bệnh viện, trường học, bến xe cấm quảng cáo rượu, bia… Quy định như vậy sẽ toàn diện hơn.

Một vấn đề nữa, tôi thấy trong dự thảo Luật chưa đề cập đến là, vấn đề khuyến khích quảng cáo. Dự thảo Luật mới thiết kế là: khuyến khích áp dụng kỹ thuật hiện đại trong quảng cáo, chứ chưa có quy định thông tin nào được khuyến khích quảng cáo. Ví dụ, quảng cáo rửa tay trước khi ăn, cái đó chúng ta phải khuyến khích, bởi vì dịch cúm vừa rồi Bộ Y tế chi mất bao nhiêu tiền vì tuyên truyền rửa tay trước khi ăn. Vậy tại sao những thông tin này chúng ta không khuyến khích hoặc những quảng cáo về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chẳng hạn. Hàng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội ở các tỉnh chỉ được chi 300 triệu cho công tác tuyên truyền. Vậy tại sao trong luật này chúng ta không khuyến khích quảng cáo những nội dung như vậy để người ta làm được nhiều việc và đây là việc ích nước, lợi dân. Theo tôi, phải có điều quy định là các nội dung được khuyến khích quảng cáo và khi khuyến khích quảng cáo thì các thủ tục cấp phép hay nội dung, mọi thứ sẽ đơn giản hơn và tôi nghĩ là sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách Nhà nước.

ĐBQH Lê Thị Tám (Nghệ An): Hành vi lợi dụng lòng tốt của khách hàng trong các sản phẩm quảng cáo không nên được khuyến khích

Tôi cho rằng, bản chất của hoạt động quảng cáo cần được hiểu là hoạt động vì mục đích sinh lời, đây cũng là căn cứ quan trọng để có thể phân biệt giữa quảng cáo với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá khác. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu tổ chức lại Khoản 1, Điều 3 cho rõ hơn theo hướng tách làm 2 khoản: một khoản là giải thích khái niệm quảng cáo; một khoản là giải thích thuật ngữ dịch vụ không có mục đích sinh lời.

Tôi tán thành các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo mà dự thảo Luật đã nêu. Bên cạnh đó, tôi đề nghị QH cân nhắc thêm một hành vi nữa đó là, thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp dường như đang lạm dụng các vấn đề về nhân đạo để lồng vào việc quảng cáo các sản phẩm của mình. Ví dụ, mua sản phẩm A của chúng tôi, bạn đã góp 10 đồng để chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo… Đương nhiên, tôi không phản đối việc các doanh nghiệp làm công tác từ thiện, song việc sử dụng điều đó làm cơ hội quảng cáo thì cần phải tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ, tránh tình trạng nói một đường, làm một nẻo, khi quảng cáo thì nói sẽ làm từ thiện, nhưng thực tế không làm hoặc giá trị từ thiện không như quảng cáo. Tôi nghĩ hành vi lợi dụng lòng tốt của khách hàng cũng như hình ảnh của những người bất hạnh vào các sản phẩm quảng cáo là hành vi không nên được khuyến khích.

Nguyễn Vũ ghi; Ảnh: Lâm Hiển
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân