QH thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi): Đã cơ bản bảo đảm tinh thần Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân và doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Dự thảo Luật đã đi theo hướng nỗ lực tối đa để tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
 
Tôi rất hoan nghênh dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đã đi theo hướng nỗ lực tối đa để cùng với dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này thể hiện tư tưởng rất quan trọng theo Hiến pháp năm 2013, chuyển từ quản lý đầu tư theo kiểu cho cái gì, làm cái đó sang quản lý theo hướng cái gì không cho thì quy định bỏ, còn lại được làm hết. Tôi rất ủng hộ tư tưởng này.

Liên quan đến Điều 7 về kinh doanh có điều kiện. Đặc điểm hệ thống pháp luật bao giờ cũng hàm chứa 3 nguyên tắc: một là giả định; hai là chế định; ba là chế tài. Nhưng luật của ta thì có giả định, chế định mà không có chế tài. Chế tài chuyển về hai luật là Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, khi thực thi luật thì không phải chỉ áp dụng một đạo luật cụ thể. Đây là điều khó nhất. Chính vì vậy, nếu chúng ta không làm triệt để thì kỳ vọng cải thiện môi trường đầu tư bằng luật này là rất khó. Điều 7 về kinh doanh có điều kiện, tôi đề nghị sửa lại một chút:

Thứ nhất, khái niệm kinh doanh có điều kiện ta muốn nói ở luật này khác với kinh doanh có điều kiện nói chung. Bởi vì, thực chất không có kinh doanh nào không có điều kiện. Nhưng điều kiện muốn nói là ở đây nó hàm chứa 2 nội dung: loại thứ nhất là anh phải có giấy phép trước khi ra kinh doanh, ví dụ lập ngân hàng, lập công ty chứng khoán… Loại này là cứng, tức là trước kinh doanh phải có giấy phép. Loại thứ hai là tôi hạn chế anh, điều kiện này khắt khe, vì liên quan đến 7 nội dung là vấn đề tính mạng, sức khỏe, an ninh – quốc phòng, trật tự xã hội, đạo đức, quyền lợi công dân, an ninh tiền tệ… Anh phải cam kết rằng trước khi anh hoạt động là những điều kiện đã bảo đảm. Hai danh mục này phải rõ. Nếu viết như thế này, chúng ta hiểu kinh doanh có điều kiện theo 7 nội dung này thì không chỉ có hơn 250 ngành, nghề, bởi vì thực chất cái nào cũng có điều kiện. Do đó, tôi đề nghị thiết kế lại Điều 7, khoản 2 chuyển lên khoản 1.

Thứ hai, trong dự thảo Luật chưa làm được nhưng tôi đề nghị, Chính phủ ban hành Nghị định xác định 2 danh mục khác nhau: một là loại ngành, nghề có giấy phép mới được kinh doanh; hai là cam kết đủ điều kiện trước khi hoạt động để anh hoạt động, song tôi kiểm tra mà anh cam kết điều kiện đó anh chưa làm, ví dụ anh sản xuất mà chưa làm hệ thống nước thải thì tôi phạt ngay, xử lý liền. Đây là hai danh mục rõ ràng, còn lại là người ta kinh doanh, chứ không có một quy định nào khác.

Liên quan đến hợp đồng hợp tác công – tư, ở Điều 27, tôi rất hoan nghênh dự thảo Luật đã có quy định về vấn đề này. Nhưng tôi đề nghị lần này, chúng ta quy định một số nội dung để Chính phủ ban hành Nghị định. Ví dụ trong hợp đồng công – tư, quan trọng nhất là cam kết pháp lý của các tổ chức Nhà nước đối với nhà đầu tư; hai là, hình thức góp vốn, nhà nước góp được cái gì, rất rõ; ba là, nguồn vốn góp để các tổ chức này có thể tham gia, để bảo đảm được quyền lợi và cần luật hóa hình thức công – tư đối tác, bởi vì chúng ta không thể thí điểm mà không có luật. Nhà đầu tư nói rằng, tôi không thể bỏ hàng tỷ USD để làm thí điểm được. Tôi đề nghị quy định nguyên tắc, sau đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định): Nên bổ sung quy định ưu đãi đầu tư đối với sản xuất sản phẩm được nội địa hóa

Liên quan đến quy định ngành, nghề ưu đãi đầu tư, tôi đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 16 một điểm có nội dung: Ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm được nội địa hóa. Mặc dù, tại điểm d, khoản 1, Điều 10 quy định không bắt buộc nhà đầu tư đạt được tỷ lệ nội địa hóa, nhưng chúng ta cũng nên khuyến khích việc nội địa hóa.

Về tác động của chính sách nội địa hóa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện nay, hệ thống cung cấp sản phẩm cho ngành công nghiệp hỗ trợ hầu hết là của nước ngoài. Dù Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện, nhưng với sự non trẻ của ngành, các doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường, do yêu cầu chất lượng cao hơn so với công nghệ và năng lực của doanh nghiệp trong nước. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng, rào cản về thuế giảm dần thì các sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ nhập vào sẽ rẻ hơn và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nếu có chính sách khuyến khích sản phẩm nội địa hóa, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm sẽ tìm kiếm sản phẩm đầu vào trong nước để được hưởng ưu đãi. Ngay cả khi có ưu đãi mà ta cũng không thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài thì các doanh nghiệp này sẽ hợp tác, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, hoặc kêu gọi các doanh nghiệp bên ngoài có đủ trình độ khoa học, công nghệ, đáp ứng được nhu cầu của họ để xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi. Dù với hình thức nào thì ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng sẽ phát triển hơn. Như vậy, với chính sách nội địa hóa và chính sách ưu đãi ngành nghề công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam nâng cao hơn giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm, tạo thêm nhiều ngành nghề mới phát triển, giải quyết thêm công ăn việc làm, góp phần và phát triển chung của đất nước.

Liên quan đến quyền tự do hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân đầu tư kinh doanh. Theo tôi về phát sinh một ngành mới hoặc ngành nghề chưa được quy định trong Luật có nguy cơ gây tác hại đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, đạo đức, văn hóa truyền thống của Việt Nam là điều khó tránh khỏi khi Luật có hiệu lực. Để có cơ sở pháp lý dừng kịp thời các ngành, nghề có nguy cơ như trên, tôi đề nghị tại Điều 8 cần quy định thêm một khoản có nội dung như sau: nếu xét thấy ngành nghề mà tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh có nguy cơ gây tác hại đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, đạo đức, văn hóa truyền thống của Việt Nam thì HĐND cấp tỉnh có quyền kiến nghị QH trong thời gian họp, hoặc UBTVQH trong thời gian giữa hai kỳ họp để quyết định tạm ngừng hoạt động đầu tư, kinh doanh của ngành, nghề đó. Sau khi lấy ý kiến của Chính phủ, xem xét, bổ sung ngành, nghề này vào danh mục các ngành nghề bị cấm, hoặc ngành nghề phải đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo thủ tục rút gọn. Tổ chức, cá nhân đã đầu tư, kinh doanh được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre): Cần quy định bổ sung ở Điều 8 cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về việc đầu tư kinh doanh

Tôi thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của UBTVQH. Đối chiếu với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này, tôi thấy ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại Kỳ họp trước và của địa phương góp ý trước Kỳ họp đều được ghi nhận, chỉnh lý trong dự thảo Luật hoặc nếu không tiếp thu thì có giải trình thỏa đáng. Nhiều nội dung quy định mới có tính đột phá như các nội dung về nguyên tắc áp dụng các biện pháp đảm bảo đầu tư, ngành, nghề ưu đãi đầu tư và thủ tục đầu tư. Đặc biệt, việc quy định chi tiết ngay trong dự thảo Luật các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là điểm mới nhất, bảo đảm tinh thần Hiến pháp mới về quyền tự do kinh doanh của công dân và doanh nghiệp. Để dự thảo Luật được hoàn thiện hơn trước khi QH biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này, tôi tham gia thêm một số nội dung.

Về ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, đề nghị bổ sung, vì tại Điều 8, ngoài việc giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các danh mục theo quy định tại Điều 7, thì cần quy định bổ sung ở Điều 8 cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về việc đầu tư kinh doanh sau khi Luật này có hiệu lực để bảo đảm kịp thời, đồng bộ. Đồng thời cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, công bố các văn bản ban hành không còn phù hợp với Luật này để bãi bỏ trước khi Luật có hiệu lực. Vì hiện tại có quá nhiều những văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện làm cho nhà đầu tư rất khó khăn khi tiếp cận thực hiện. Nếu không siết kỷ luật về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành thì tiếp tục có tình trạng vướng tiếp do văn bản dưới luật.

Vì vậy, đề nghị bổ sung vào điểm c, khoản 2, Điều 76 một nội dung về xử lý những văn bản quy phạm pháp luật, quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện không còn phù hợp với điều này; đồng thời đề nghị bổ sung một quy định giao Chính phủ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành nghề quy định tại Phụ lục 4. Vì hiện nay ngoài các điều kiện đầu tư, kinh doanh được áp dụng thống nhất với nhà đầu tư trong nước, thì nhà đầu tư nước ngoài còn phải tuân thủ các điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong tổ chức kinh tế và một số điều kiện khác theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về thẩm định hồ sơ chấp nhận chủ trương đầu tư của Chính phủ tại Điều 34 của dự thảo Luật, tại điểm c, khoản 6 quy định nội dung thẩm định về điều kiện của nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo pháp luật về đất đai. Trên thực tế pháp luật đất đai chưa quy định chi tiết và có tính hệ thống liên thông với Luật này. Đây là quy định mới, thực tiễn thi hành rất khó khăn, phức tạp. Trong dự thảo quy định mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện tổ chức thi hành trực tiếp, cần có quy định chi tiết về thủ tục thực hiện mới bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết thủ tục thực hiện để thuận lợi cho nhà đầu tư và cơ quan thẩm định khi luật có hiệu lực, bảo đảm thống nhất về thủ tục.

Nguyễn Vũ ghi
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân